Cửa hàng nhái Apple Store ở Hà Nội sẽ phải gỡ logo táo khuyết

Google News

Cửa hàng "Apple Center" không phải đại lý ủy quyền, có thể bị buộc tháo logo táo khuyết.

Với tên gọi Apple Center đi kèm logo “táo khuyết”, cửa hàng trên đường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có mặt tiền khoảng 20 m. Ngoài ra, nội thất của cửa hàng cũng sử dụng 2 tông màu chủ đạo là trắng và gỗ nhạt.
Ban đầu, nhiều người có thể dàng nhầm lẫn đây là cửa hàng Apple Store chính thức sắp khai trương tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì tên gọi Apple Store, tấm biển của cửa hàng này lại đề Apple Center. Nếu so sánh kỹ cách thiết kế, người dùng sẽ nhận ra các Apple Store chỉ có logo của “táo khuyết”, không đi kèm tên thương hiệu.
Theo nguồn tin riêng của Zing, cửa hàng "Apple Center" nói trên không thuộc danh sách các đại lý ủy quyền tại Việt Nam, càng không phải Apple Store.
"Apple đã gửi yêu cầu gỡ bỏ logo của cửa hiệu trước ngày 27/11", một nguồn tin giấu tên khác chia sẻ.
Apple hiện sở hữu 4 Apple Store trong khu vực Đông Nam Á. Tập trung chủ yếu tại Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, không có bất cứ Apple Store chính thức nào được mở tại Việt Nam.
Cua hang nhai Apple Store o Ha Noi se phai go logo tao khuyet
Cửa hàng có mặt tiền gần 20 m, nằm trên trục đường phố Huế, Hàng Bài. Ảnh: Minh Khánh. 
Cửa hàng trên được "công ty TNHH Thương mại Apple Center Việt Nam" đăng ký kinh doanh từ tháng 9/2020, có đại diện pháp luật người Việt Nam. Hiện tại, công ty này đăng ký hơn 50 ngành nghề kinh doanh khác nhau, chủ yếu liên quan đến buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.
Phần lớn các đơn vị được Apple cấp giấy phép ủy quyền dựa trên 2 tiêu chuẩn là APR (Apple Premium Reseller) và AAR (Apple Authorised Reseller). Mỗi tiêu chuẩn mà Apple đề ra đều có những chính sách, yêu cầu riêng với đối tác.
Để đạt được tiêu chuẩn APR, Apple quy định cửa hàng ủy quyền phải có vị trí đắc địa, đông người qua lại. Ngoài ra, cửa hàng cần có diện tích lớn, từ 100 m2 trở lên. Các thiết kế, phong cách trưng bày lẫn kích thước logo "táo khuyết" đều phải đáp ứng các yêu cầu của công ty.
Tuy nhiên, với tiêu chuẩn AAR, chính sách của Apple sẽ linh hoạt hơn. Để được Apple ủy quyền, các đại lý, nhà bán lẻ phải nộp hồ sơ lên công ty và trải qua quá trình xác minh của đại diện Apple tại Việt Nam.
Hiện có 9 đơn vị phân phối, nhà bán lẻ đạt tiêu chuẩn AAR của Apple, điển hình như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Hoàng Hà Mobile, Mai Nguyên, Shop Dunk. Bên cạnh đó còn có eDiGi, F.Studio là những cửa hàng đạt tiêu chuẩn cao nhất APR.
“Cửa hàng đang hoàn thiện và vẫn tuyển dụng các vị trí làm việc từ tháng 9 đến nay. Tuy nhiên, chúng tôi muốn giữ bí mật đến phút chót nên sẽ không tiết lộ thêm. Apple Center đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh đều tuân thủ pháp luật Việt Nam”, anh V.M, làm việc tại cửa hàng Apple Center chia sẻ.
Từ năm 2015, Apple đã mạnh tay với các cửa hàng nhái Apple Store ở Trung Quốc. Đến 2017, táo khuyết cũng ủy quyền cho một công ty luật ở Việt Nam để gây sức ép buộc các cửa hàng có logo quả táo phải gỡ bỏ, tránh nhái nhận diện thương hiệu của Apple.
Đến 2020, hiện tượng Apple Store "nhái" cơ bản đã không còn. Do đó, việc xuất hiện cửa hàng có logo táo khuyết ở Hà Nội với diện tích lớn là một hiện tượng lạ.
Theo Minh Khánh/Zing