Khó như bay trực thăng
Phải mất đến cả tháng trời, tôi mới hoàn thành công việc hỏi han thông tin, liên hệ các giấy tờ theo đúng quy định để gặp được đại tá Trần Xuân Dinh, Giám đốc Công ty Dịch vụ bay Miền Bắc, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam.
Công ty hiện có gần chục chiếc trực thăng với khoảng 50 phi công làm việc. Ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, công ty còn có dịch vụ cho thuê trực thăng.
Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, bề ngoài chiếc trực thăng có vẻ nhỏ gọn như vậy nhưng thực ra thiết kế của nó phức tạp hơn nhiều so với chiếc máy bay thông dụng. Việc huấn luyện phi công cũng đòi hỏi cao hơn, mất nhiều thời gian hơn và phức tạp hơn. Do luôn bay ở độ cao dưới 1.000m, không có đường bay cố định nên việc điều khiển bay đối với trực thăng cũng khó khăn hơn nhiều.
Do có nhiều cái khó đó nên yêu cầu đối với phi công cũng vô cùng nghiêm ngặt. Với các chuyến bay cất cánh trước 7h sáng, phi công buộc phải ngủ lại ở cơ quan để đảm bảo sức khoẻ. Trước khi bay, phi công được đo huyết áp, nhịp tim, kiểm tra tình trạng sức khoẻ sơ bộ. Với những người có tâm trạng không tốt như đang buồn bực chuyện gì đó, đang phải lo lắng công việc của gia đình... sẽ không được phép bay. "Người nào buồn là không được bay đâu. Vì thế, anh phi công nào mà còn lấn cấn chuyện gia đình, tâm trạng không được vui thì không được điều khiển máy bay", đại tá Trần Xuân Dinh ví von vui vẻ.
Mỗi chiếc trực thăng chở được tối đa từ khoảng 10 - 22 hành khách. Trên máy bay luôn có 1 phi công và 1 dẫn đường. Có những trực thăng cá biệt thì tổ lái có 3 người. Trên máy bay không có tiếp viên, mọi mệnh lệnh để đảm bảo an toàn bay đều phụ thuộc vào người phi công điều khiển bay. Tốc độ của trực thăng nếu phục vụ khách đi du lịch thì thường bay trung bình từ 100 - 250km/h, song nếu trong trường hợp khẩn cấp như đưa người bệnh đi cấp cứu thì vận tốc có thể tăng lên 350 - 500km/h tùy loại. Trong những chuyến du lịch ngắm cảnh quan, núi non, trời biển, trực thăng có thể bay ở độ cao từ 150 - 700m so với mặt nước biển.
Khóc - cười cùng trực thăng
Đại tá Trần Xuân Dinh kể, cuộc đời làm phi công có nhiều vui buồn, nhiều kỉ niệm. Mỗi một sự kiện lại gắn với một câu chuyện, một cảm xúc khác nhau. Đến nay đã có 32 năm tuổi nghề làm phi công, đại tá Trần Xuân Dinh có trong "kho" cả một bộ sưu tập kỷ niệm.
Trước kia, nhiều người còn mơ hồ về dịch vụ cho thuê trực thăng, nhưng giờ thì đã có một số người biết đến và sử dụng dịch vụ. Đối tượng khách hàng chính của dịch vụ cho thuê trực thăng hiện nay là người nước ngoài. Có lẽ do ít người biết đến, một phần vì chi phí cho một chuyến bay không phải là nhỏ so với thu nhập trung bình của người Việt Nam.
Để một chuyến bay được cất cánh an toàn, phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt. Giả sử khi nhận được yêu cầu bay cứu nạn, đơn vị sẽ phải cử người xác minh nhân thân lý lịch của người đó, thỏa thuận hợp đồng bay. Người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ các quy định dành cho hành khách như đối với quy định của ngành hàng không. Sau đó, phải xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy quân sự địa phương về địa điểm bay, các điều kiện thời tiết đảm bảo an toàn bay và hạ cánh.
Những vui - buồn nhiều nhất có lẽ là ở dịch vụ cứu hộ cứu nạn. Với dịch vụ cho thuê trực thăng, ngoài việc đảm bảo các yêu cầu an ninh an toàn, khách hàng phải trả phí dịch vụ. Nhưng có những tình huống, lấy tiền hay không lấy tiền của khách hàng cũng là băn khoăn lớn.
Đại tá Trần Xuân Dinh kể: Có lần, một người bị tai nạn rất nặng gọi điện đến đơn vị yêu cầu được trợ giúp. Sau khi hoàn thành các thủ tục, xin phép bay, 1 chiếc trực thăng cất cánh đến địa điểm người gặp nạn đó. Nhưng trên đường trực thăng đi thì người đó không may đã qua đời. Về nguyên tắc, khi đã ký hợp đồng dịch vụ thì khách hàng sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí. Nhưng trường hợp này, khách hàng quá đau thương mất mát, phía công ty thì đã khởi động dịch vụ rồi. Khi đó, sau khi cân nhắc, công ty quyết định không thu tiền của khách nữa.
Một kỷ niệm còn nóng hổi những cảm xúc gấp gáp là việc cứu thành công 35 công nhân trong cơn bão số 8 vừa rồi. Đại tá Trần Xuân Dinh là người trực tiếp lái 1 trong 2 chiếc trực thăng cứu nạn. Ngay sau khi cất cánh từ Gia Lâm, hệ thống điều khiển tự động trên máy bay của tổ bay không hoạt động, phi công phải điều khiển máy bay hoàn toàn bằng tay. Trên đường bay, còn nhiều thách thức khác đặt ra đối với các tổ bay như gió luôn duy trì tốc độ khoảng 80km/h, mưa lớn, đáy mây thấp nên phải bay hoàn toàn trong mây và hạ cánh bằng phương pháp xuyên mây. Cuối cùng thì 35 người trên giàn khoan đã được giải cứu thành công.
Còn nữa...
TIN BÀI LIÊN QUAN
Tô Hội