200.000 đồng/người/bữa cơm độn khoai
Thời gian gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều quán ăn, quán cà phê mang phong cách thời bao cấp, thu hút rất đông khách hàng hiếu kỳ đến chiêm ngưỡng và thưởng thức. Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 (Nam Tràng - Trúc Bạch - Ba Đình) là nhà hàng đầu tiên tạo nên phong trào này. Sau đó là một loạt các cửa hàng khác như hợp tác xã ăn uống 46 An Dương, quán cơm tem phiếu, cộng cà phê, bao cấp cà phê...bắt đầu ra đời.
|
Thực đơn các món ăn thời bao cấp. |
Thực đơn của các quán này khá đặc biệt, có những món ăn ít thấy ở Hà Nội hiện nay như: Cơm độn khoai sắn, nem mậu dịch, cá khô mậu dịch, dưa xào tóp mỡ, cơm cháy... Các món ăn này có giá không hề rẻ từ 40.000 – 120.000 đồng/món nhưng thực khách vẫn sẵn sàng bỏ ra từ 200.000 đồng để được thưởng thức trọn vẹn một bữa cơm độn khoai và cũng để
tìm lại cảm giác của một thời đã qua.
|
Những món " đặc sản" thời bao cấp có giá từ 40.000 - 120.000 đồng. |
Thực tế, cũng có không ít khách đã thắc mắc về giá thành của những món ăn này và được chủ nhà hàng phân trần rằng để chế biến được những món ăn đúng hương vị ngày xưa nhà hàng phải lựa chọn thực phẩm rất kỹ như món cơm độn, trước kia cơm nấu từ gạo ẩm, khoai mót góp vào cho nồi cơm đầy đặn nhưng nay cơm nhà hàng nấu bằng gạo dẻo, thơm ngon, khoai lang chọn những loại khoai cao cấp nhất để độn. Hay như món dưa xào tóp mỡ, ngày xưa người ta ăn mỡ chứ không ăn dầu nên tận dụng tóp mỡ để xào dưa, còn nhà hàng bây giờ phải mua mỡ về rán lấy tóp rồi bỏ mỡ vì ăn mỡ không tốt. Khách đến ăn không phải được ngồi trong phòng điều hòa mát lạnh ngắm những món đồ cổ từ thời bao cấp.
|
Nhà hàng bao cấp không chỉ là điểm đến của người lớn tuổi mà có cả người trẻ và người nước ngoài. |
Hơn nữa nhân viên phục vụ rất niềm nở với khách, họ mời khách chọn món rồi ghi chép cẩn thận vào tờ giấy mô phỏng lại chiếc tem phiếu, mời khách uống trà trong khi chờ đợi. Và chỉ sau 10 phút họ đã bày đầy đủ các món ăn để khách thưởng thức. Thế nên để ăn một bữa cơm “đạm bạc” và sống lại đúng phong cách thời xa xưa như vậy, hầu hết các thực khách đều có thể chấp nhận được.
Doanh thu trên 500 triệu đồng/ tháng
Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 mỗi ngày đón trên 100 lượt khách, doanh thu một ngày khoảng 10.000.000 đồng. Hợp tác xã ăn uống 46 An Dương, đón gần 200 lượt khách và thu về 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng mỗi ngày. Các nhà hàng khác như quán cơm tem phiếu, cộng cà phê... mỗi ngày cũng thu về hàng chục triệu đồng.
|
Không gian thời bao cấp được nhà hàng tái dựng lại. |
Ông Lê Dũng, quản lý cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 chia sẻ: Nhớ về thời bao cấp người ta nhớ về khoảng thời gian từ năm 1976 đến 1986 với những ký ức đói khổ, những bữa cơm độn sắn, độn khoai, cơm rau, cơm dưa... thời bao cấp mua hàng phải có tem phiếu, phải xếp hàng trước những cửa hàng mậu dịch bán theo kiểu phân phối. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết và cảm nhận được hết những khó khăn của thời kỳ này.
|
Thiết kế độc đáo của một nhà hàng tem phiếu. |
Và để làm sống lại khoảng thời gian đó, các quán đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để sưu tầm các loại đồ dùng từ bát đũa, cốc chén, bàn ghế đến xe đạp, ti vi, catset, đồng hồ, loa đài... rồi thuê kiến trúc sư thiết kế tái tạo lại không gian của quán sao cho giống thời kỳ bao cấp nhất. Hầu như các quán này đều đã thành công với cách làm này bởi khách đến quán rất đông.
|
Những đồ dùng thời bao cấp được bài trí ngăn nắp trên tường . |
Ông Phạm Quang Minh chủ quán cửa hàng hợp tác xã ăn uống 46 An Dương là một người đam mê sưu tầm đồ dùng thời bao cấp, ông phải lặn lội vào Nam ra Bắc để tìm mua những món đồ cổ độc đáo về trang trí cho nhà hàng của mình. Bản thân ông Minh từng là một công chức nhà nước có thu nhập ổn định, được xem là có ý tưởng “ gàn dở” sưu tầm đồ cổ của thời bao cấp về trưng bày rồi lại mở nhà hàng bán cơm và thức ăn của ngày xưa. Và giờ đây ý tưởng ấy đã đưa ông đến với những thành công bất ngờ trên con đường kinh doanh. Ông Minh chia sẻ rằng: Kinh doanh nhà hàng bao cấp không cần quá nhiều vốn nhưng cần phải đam mê.
Nguyễn Nguyên