Dùng điều hòa thả ga, không lo tốn kém chỉ với 3 mẹo nhỏ này

Google News

Nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Đó là một sai lầm.

Lắp cục nóng đúng cách
Cục nóng thường được lắp bên ngoài trời, nhưng cần lưu ý rằng đây là bộ phận rất quan trọng để làm lạnh không khí trong phòng. Do đó, bạn cần lắp cục nóng tại nơi có ít ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nhằm hạn chế tối đa nhiệt độ từ mặt trời làm nóng cục nóng, và luồng không khí được máy nén làm lạnh sẽ nhanh chóng được làm mát tốt hơn.
Cục nóng cũng cần được lắp cách tường ít nhất 30cm, vì nếu cục nóng trực tiếp gắn lên tường hoặc đặt gần, thì nhiệt tỏa ra từ cục nóng sẽ làm nóng ngược lại bức tường trong phòng. Điều hòa sau đó sẽ tốn không ít điện năng để làm mát lại phần tường bị nóng này trong quá trình duy trì mức nhiệt.
Điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý, không bật/tắt nhiều lần
Nhiều người vừa ra ngoài nắng về thường có thói quen để điều hòa ở chế độ làm lạnh nhanh hoặc nhiệt độ rất thấp để nhanh được tận hưởng không gian mát lạnh. Tuy nhiên, việc làm này vô tình khiến điều hòa phải chạy hết công suất - tiêu tốn rất nhiều điện năng để làm lạnh và duy trì mức nhiệt thấp trong thời gian dài.
Hãy nhớ rằng, cứ mỗi khi bạn giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng. Không những thế, nhiệt quá thấp còn khiến sức khỏe bạn không tốt.
Dung dieu hoa tha ga, khong lo ton kem chi voi 3 meo nho nay
Ảnh minh họa. 
Thế nên, nếu muốn tiết kiệm điện thì ban ngày nên cài đặt điều hòa ở mức nhiệt độ từ 23-25 độ C, ban đêm cài đặt ở mức nhiệt độ từ 25 đến 28 độ C. Đây là mức nhiệt độ thích hợp để máy lạnh hoạt động một cách tối ưu nhất, không tốn quá nhiều điện năng mà vẫn duy trì một nhiệt độ vừa phải và phù hợp.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện năng không nên bật tắt điều hoà nhiều lần. Thực tế, nhiều người nghĩ tiết kiệm điện bằng cách bật điều hòa đến khi nào phòng mát thì tắt đi, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Thế nhưng, cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do điều hòa phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.
Dùng chế độ Cool, tuyệt đối không chuyển sang chế độ Dry
Nhiều người rỉ tai nhau khi dùng điều hoà hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước) thay cho chế độ Cool để tiết kiệm điện gấp 10 lần. Thế nhưng, theo các chuyên gia điện máy, vào những ngày nắng nóng kinh hoàng thì hãy cài đặt ở chế độ Cool để làm mát căn phòng, tuyệt đối không cài đặt ở chế độ Dry.
Nguyên nhân, chế độ Cool (mục đích chính là làm lạnh) có tác dụng giảm nhiệt độ phòng xuống đến nhiệt độ cài đặt mong muốn trên điều khiển từ xa và duy trì nhiệt độ đó trong thời gian dài, đồng thời nó cũng khống chế một phần độ ẩm trong không gian điều hòa. Trong khi, chế độ Dry (mục đích chính là khử ẩm) thực hiện chức năng khử độ ẩm của không khí trong phòng và duy trì nhiệt độ phòng không vượt quá so với nhiệt độ của phòng lúc bắt đầu thực hiện chế độ khử ẩm.
Các chuyên gia khẳng định, điều hoà cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, những ngày nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chỉ làm căn phòng nóng khô và khó chịu. Do đó, muốn căn phòng mát mẻ người dùng hãy cài đặt ở chế độ Cool để điều hoà làm việc hiệu quả nhất.
Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo PV/Em Đẹp