Báo cáo từ Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, khi thịt lợn tăng giá mạnh, tháng 10/2018, dưới sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Bộ NN-PTNT cùng với sự hưởng ứng của các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi lợn, giá lợn hơi trên địa bàn cả nước sau đó đã có xu hướng giảm.
Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi ở nhiều địa phương giảm 4.000-7.000 đồng/kg xuống còn khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; một số tỉnh giá đã giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang.
|
Giá thịt lợn đang có xu hướng giảm sau khi Bộ NN-PTNT họp khẩn khống chế giá. |
Trong khi đó, ở miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi đang giao dịch trong khoảng 45.000-52.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại các tỉnh miền Nam như Kiên Giang, Long An, Bình Dương, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg xuống 51.000-53.000 đồng/kg; Tiền Giang giá giảm 2.000 đồng/kg xuống 52.000 đ/kg. Các địa phương khác giá lợn hơi chủ yếu dao động trong khoảng 51.000-54.000 đ/kg.
Dù giá thịt lợn hơi đã giảm, thậm chí ở miền Bắc giá thịt lợn còn giảm mạnh, song, theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với mức giá như nay người chăn nuôi vẫn có lãi.
Thế nhưng, trái ngược với xu hướng giá thịt lợn hơi giảm thì tại các chợ trên địa bàn Hà Nội giá thịt lợn vẫn ở mức khá cao, không có dấu hiệu giảm theo giá thịt lợn xuất chuồng. Đơn cử, giá sườn vẫn ở mức 110.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, nạc thăn ở mức 100.000 đồng/kg, thịt mông sấn, chân giò giá 85.000-90.000 đồng/kg,...
Trước đó, vào chiều 9/10, khi giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng, Bộ NN-PTNT đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với 12 tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi yêu cầu giảm giá thịt lợn xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg nhằm bình ổn thị trường thực phẩm.
Theo Bộ này, chi phí 1kg thịt lợn hơi chỉ ở mức 35.000-36.000 đồng/kg, trong khi giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng ở mức 50.000-56.000 đồng/kg là quá cao.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho rằng, giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp để giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững. Còn nếu không kiềm chế giá thịt lợn hiện nay xuống mức hợp lý thì chính chúng ta sẽ đánh mất thị trường.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm 2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 455 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Chín tháng đầu năm 2018 giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm chiếm gần 22,3 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2017; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt 2,44 triệu USD và 31,99 triệu USD, giảm 57,5% và giảm 51,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo B.H/VNN