“Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024“ thúc đẩy kinh tế xanh

Google News

Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” vinh doanh các sáng kiến đột phá trong tuần hoàn nhựa, giảm thải rác nhựa tại Việt Nam nhằm thu hút các đầu tư, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Giảm thải rác nhựa tại Việt Nam
Cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa" là cơ hội để các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu các sáng kiến mới, là nền tảng để kết nối, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Được khởi động tháng 4/2024, từ 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng, Hội đồng giám khảo cuộc thi đã chọn 5 giải pháp triển vọng và 2 ý tưởng đổi mới sáng tạo vào chung kết trao giải. Hội đồng giám khảo đánh giá các giải pháp triển vọng đã giới thiệu sản phẩm cụ thể, ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Cuộc thi nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa; chú trọng các giải pháp mới, sáng tạo thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm. Đây là một trong nhiều hoạt động thực hiện hợp tác công tư thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác.
“Giai phap doi moi tuan hoan nhua 2024“ thuc day kinh te xanh
Chị Hà Phan Kim Nguyệt - Founder UPGREEN Vietnam giới thiệu các sản phẩm nhựa tái chế tại Triển lãm. 
Lễ trao giải có sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, cộng đồng khởi nghiệp và học sinh - sinh viên. Đây là dịp để tôn vinh các tác giả đã có các giải pháp tiên phong mang tính đột phá trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm - loại nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong lượng rác thải hàng ngày nhưng chưa được xử lý hiệu quả.
Giải thưởng dành cho các tác giả tham dự Cuộc thi năm 2024 gồm: Ở Bảng Giải Pháp Triển Vọng giải thưởng gồm: Giải Pháp Đột Phá trị giá 200.000.000 VNĐ; Giải Pháp Đổi Mới: 100.000.000 VNĐ; Giải Pháp Nổi Bật: 50.000.000 VNĐ. Khung giải thưởng ở Bảng Ý Tưởng Đổi Mới Sáng Tạo gồm: Ý Tưởng sáng tạo vượt trội, trị giá 50.000.000 VNĐ; Sáng kiến được yêu thích nhất, trị giá 30.000.000 VNĐ.
“Giai phap doi moi tuan hoan nhua 2024“ thuc day kinh te xanh-Hinh-2
Đội Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam đã giành Giải “Giải Pháp đột phá” với trị giá giải thưởng cao nhất cuộc thi. 
Hội đồng giám khảo đã trao Giải pháp đột phá cho "Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam"; Giải pháp đổi mới được trao cho "Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm" và "Nhựa sinh học Buyo-giáp pháp bền vững chống ô nhiễm nhựa"; Giải pháp nổi bật thuộc về "Ứng dụng công nghệ vào thu gom rác thải nhựa" và "Tấm nhựa Eco-nơi rác thải nhựa tìm thấy cuộc sống mới".
Hai ý tưởng đổi mới sáng tạo là mô hình, giải pháp mới trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Ở hạng mục này, Sáng kiến được yêu thích nhất thuộc về "Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS"; Ý tưởng sáng tạo vượt trội thuộc về "Biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng tự phục hồi".
Theo đánh giá của các chuyên gia, bài dự thi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề rác thải nhựa. Các sáng kiến không chỉ tập trung vào thu gom và phân loại mà còn đề xuất những giải pháp bền vững như công nghệ nhựa sinh học phân hủy tại nhà, chuyển đổi bao bì đa lớp thành các sản phẩm công nghiệp có giá trị hay số hóa với tiềm năng chuyển đổi/ đổi mới các liên kết trong chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhiều giải pháp đã được thử nghiệm thực tế để giải quyết các thách thức trong việc thu gom và tái chế bao bì nhựa mềm.
Ông Bùi Quang Thịnh chuyên gia Hiệp hội Bao bì Việt Nam nhận định, chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” đã thổi một luồng gió mới cho câu chuyện về tuần hoàn nhựa và môi trường tại Việt Nam. Ngoài giải thưởng giá trị, những đơn vị tham gia còn được nâng cao kiến thức, nhận thức về tái chế và tuần hoàn nhựa với các góc nhìn đa chiều, sự đồng hành từ các chuyên gia đầu ngành… Những đóng góp của họ cũng sẽ được xã hội ghi nhận và trân trọng, đồng thời truyền cảm hứng và động lực cho các cá nhân/ đơn vị khác tiếp tục nghiên cứu và phát triển những giải pháp mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững 
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam đánh giá cao các tổ chức tham dự Cuộc thi khi đưa hàng trăm sản phẩm về nhựa tái chế, góp phần “xanh hoá” tiêu dùng, “xanh hoá” đất nước.
Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam cho biết, Unilever cũng là thành viên tích cực của NPAP (Chương trình hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa), sát cánh cùng. Bộ TN&MT để tham gia đóng góp vào mục tiêu quốc gia. Tại Unilever, từ khâu thiết kế bao bì sản phẩm, chúng tôi đã nghĩ đến cách tối ưu hóa giảm nhựa nguyên sinh, tăng khả năng tái chế mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng.
Đến nay, Unilever đã cắt giảm được hơn 50% nhựa nguyên sinh, 64% bao bì của Unilever có thể tái chế được. Trong đó, Công ty đã đạt trung hòa về nhựa (thu gom và tái chế nhiều hơn lượng nhựa đưa ra thị trường) và triển khai rất nhiều dự án hợp tác hỗ trợ cho các nhà tái chế như Duy Tân, Vietcycle, hỗ trợ sinh kế, đào tạo, chăm sóc vệ sinh, bảo hiểm y tế cho lực lượng lao động ve chai.
“Giai phap doi moi tuan hoan nhua 2024“ thuc day kinh te xanh-Hinh-3
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam phát biểu tại chương trình. 
Tổng Giám đốc Unilever Việt Nam khẳng định, bài toán về kinh tế tuần hoàn nói chung và tuần hoàn nhựa nói riêng là một hành trình dài để hoàn thiện ngày một thật trơn tru, hiệu quả hơn. Chúng ta không chỉ giải quyết việc tái chế nhựa mà còn phải đảm bảo nhựa tái chế có thể cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh về chất lượng và giá cả. Chúng ta không chỉ tái chế nhựa cứng mà phải tìm cách tái chế nhựa mềm, nhựa khó giải quyết. Ngoài ra, phải đảm bảo người tiêu dùng của chúng ta hiểu về giá trị môi trường mà nhựa tái chế mang lại.
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy các sáng kiến tuần hoàn nhựa cũng như xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa, cần có sự tham gia và hợp tác từ tất cả các thành viên trong hệ sinh thái, bao gồm các cơ quan thiết lập chính sách, doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ sở hữu những ý tưởng/ giải pháp. Cụ thể, các chương trình hỗ trợ từ nhà nước và tổ chức phi chính phủ có vai trò quyết định và thúc đẩy các giải pháp như chính sách EPR, kiểm soát việc sử dụng nhựa 1 lần, túi nhựa phân rã - oxodegradable…
Còn đối với các ý tưởng/ giải pháp là cơ hội nhận được nguồn vốn lớn cùng những hỗ trợ trong việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch mở rộng, cơ hội tiếp cận và hợp tác với các đối tác chiến lược, xây dựng năng lực về ESG, hỗ trợ kỹ thuật… từ phía nhà đầu tư.
Những giải pháp được trao giải và vinh danh không chỉ mang tính ứng dụng cao mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, không chỉ cân nhắc về lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo các yếu tố tác động xã hội và môi trường bền vững. Các đội thắng giải sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác chiến lược của chương trình như Unilever Việt Nam, Standard Chartered Ventures và Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia. Sự hợp tác này sẽ giúp các đội hoàn thiện và thương mại hóa giải pháp, đồng thời mở rộng quy mô ứng dụng trong thực tế.
“Giai phap doi moi tuan hoan nhua 2024“ thuc day kinh te xanh-Hinh-4
Những giải pháp được trao giải và vinh danh mang tính ứng dụng cao. 
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Chỉ có đổi mới sáng tạo mới có thể xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín, nơi nhựa trở thành tài nguyên, nguyên liệu thay vì rác thải. Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các công nghệ mới, cải tiến chuỗi giá trị tuần hoàn và khuyến khích người tiêu dùng tham gia vào các hoạt động bền vững. Vì vậy cuộc thi không chỉ là cơ hội để các nhà khởi nghiệp và doanh nghiệp giới thiệu các sáng kiến mới, mà còn là nền tảng để kết nối, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

“Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh (BritCham), Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), Đại sứ quán Anh và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức.


 
 
 
PV