Giật mình những vật thể lạ trong mì tôm Việt

Google News

(Kiến Thức) - Từ vụ lùm xùm mì Kokomi của Masan có sinh vật lạ, nhìn lại, không ít đại gia mì gói cũng từng "dính" tai tiếng tương tự.

Không ít đại gia mì gói từng điêu đứng vì thông tin sản phẩm có vật lạ như gián, côn trùng hoặc bị làm giả.
Mì của Masan bị tố có dị vật, biến đổi mùi vị
Mới đây, vụ việc mì Kokomi của Masan bị khách hàng ở Thanh Hóa tố có sinh vật lạ giống giun, sán khiến người tiêu dùng lo lắng. Mặc dù đã có kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh Thanh Hoá số 158/2015 và báo cáo số 343/BC-ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh Thanh Hoá ngày 16/11/2015 cho thấy sản phẩm mỳ Kokomi tôm chua cay đạt các tiêu chuẩn kiểm nghiệm, không có vật lạ, song nhiều sự việc này khiến nhiều người nhớ lại không ít đại gia mì ăn liền cũng từng vướng lùm xùm đáng lo ngại.
Giat minh nhung vat the la trong mi tom Viet
 Sinh vật lạ bò trên bát mì Kokomi của Masan.
Trước đó, năm 2013, báo Người đưa tin đưa thông tin, mì Omachi của công ty Masan bị khách hàng tại Cầu Giấy (Hà Nội) tố xuất hiện nhiều đốm mốc đen kèm mùi hôi khó chịu, mặc dù bao bì sản phẩm vẫn nguyên vẹn và gói mì vẫn còn hạn sử dụng đến 18/1/2013. Thời điểm khách hàng gói mì và phát hiện ra sự việc nói trên vào tháng 12, khi hạn sử dụng còn gần một tháng.
Về sự việc đáng tiếc này, Công ty cổ phần thực phẩm Masan – nhà sản xuất mì gói Omachi giải thích, vì mì mua ở tiệm tạp hóa nên rất khó để xác định được gói mì có được bảo quản đúng cách hay không. Nếu không, gói mì rất dễ bị hư hỏng và thay đổi mùi vị.
Mì tôm Hảo hảo của Acecook Việt Nam có vật lạ màu đen
Là đồ ăn quen thuộc đối với người Việt, song nhiều loại mì ăn liền nghi có đỉa, bị làm giả, hay biến đổi mùi vị khiến khách hàng hoảng hồn.
Giat minh nhung vat the la trong mi tom Viet-Hinh-2
Vật thể lạ màu đen trong gói mì tôm Hảo Hảo chua cay của Acecook Việt Nam. Ảnh: Người đưa tin 
Tháng 3/2012, khách hàng tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội phát hoảng khi thấy có nhiều vật lạ màu đen trên miếng mì tôm Hảo Hảo chua cay (của công ty cổ phần Acecook Việt Nam). Theo thông tin trên bao bì, sản phẩm trên có mã số 8934563138165, sản xuất ngày 23/02/2012 và thời hạn sử dụng là 5 tháng kể từ ngày sản xuất. Sau sự việc đáng lo ngại này, phía công ty Acecook Việt Nam có hứa sẽ cho nhân viên đến lấy mẫu về để phân tích và “có câu trả lời” sau về vụ việc.
Mì tôm 3 miền của Việt Hưng ngọ nguậy như có… sán, đỉa
Năm 2014, theo thông tin trên nhiều trang báo, một khách hàng (trú tại xóm 12, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã tố mì tôm 3 miền (của Công ty TNHH Việt Hưng) có sinh vật lạ gần giống màu sợi mì, có thể bò, ngọ nguậy như một con đỉa, con sán. 
Trước đó, năm 2013, sản phẩm này của Việt Hưng cũng bị dính nghi án tương tự khi khách hàng Nguyễn Thị Xuân (Hà Tĩnh) cũng hoảng sợ thông báo phát hiện sinh vật lạ trong sản phẩm mỳ tôm nhãn hiệu “3 miền”. Theo thông tin trên báo Lao Động, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Tĩnh đã lấy mẫu mì tôm nguyên gói còn lại của gia đình gửi để kiểm nghiệm.
Giat minh nhung vat the la trong mi tom Viet-Hinh-3
 Khách hàng tố sinh vật lạ như giun sán, đỉa trong mì tôm 3 miền. Ảnh: Lao Động.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy không phát hiện sinh vật lạ, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Mẫu “sinh vật lạ” lấy tại hiện trường cũng đã được gửi tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương và kết quả xác định đây là đốt sán dây và Cục An toàn thực phẩm khẳng định sán dây trong bát mì tôm tại nhà khách hàng đã xâm nhập từ môi trường trong quá trình sử dụng.
Giat minh nhung vat the la trong mi tom Viet-Hinh-4
Ảnh minh họa. 
Tại nước ngoài, không ít ông lớn cũng dính lùm xùm mì gói có dị vật, phải thu hồi sản phẩm. Trên báo Tuổi Trẻ có đưa tin, tháng 12/2014, Hãng Nissin Frozen Foods cũng ở Nhật đã thu hồi gần 750.000 gói mì Ý sau khi có khách hàng phát hiện một con gián chết bên trong một gói mì hồi cuối tháng 11. Nissin thừa nhận nhiều khả năng rau mà công ty này sử dụng trong sản phẩm đã chứa gián.
Tương tự, Hãng sản xuất mì gói Maruka Foods Corp đã phải dừng toàn bộ hoạt động ở hai nhà máy sau khi phát hiện côn trùng bên trong một gói mì.
Maruka cũng ngưng bán mì và thu hồi 50.000 gói mì được sản xuất tại dây chuyền đã làm ra gói mì có chứa côn trùng. Hãng cũng cam kết trả lại tiền cho bất kỳ khách hàng nào muốn trả lại các gói mì đã mua. Trong những vụ tương tự ở Nhật, nhà sản xuất thường chịu thiệt hại nặng nề do bị người tiêu dùng tẩy chay trong nhiều năm liền.
Ngọc Linh (Tổng hợp)