Qua quá trình khảo sát mặt hàng tôm khô tại nhiều chợ Hà Nội, PV Kiến Thức được hầu hết giới buôn bán khẳng định, tôm khô họ bán ra đều là hàng thật, tự nhiên, không dùng phẩm màu hay chất bảo quản và "có thể để được hằng tháng không hỏng". Nhưng theo kinh nghiệm của những người sành ăn thì nếu tôm có màu đỏ rực và lại giữ được trong thời gian lâu như vậy thì rất có thể là đã được sử dụng hóa chất và phẩm màu.
Dò hỏi mãi, chủ một cửa hàng bán tôm khô cuối cùng cũng tiết lộ: “Tôm khô nếu dùng chất bảo quản màu khi sấy lên mới có màu đỏ rực. Nếu không dùng thuốc màu thì tôm sẽ nhanh chóng bị mốc, hỏng, nhãn mác rất xấu và bán ra thị trường không được giá cao”.
|
Dù đã được sấy nhưng tôm khô bán ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội vẫn có màu đỏ rất bắt mắt. |
Cũng từ lời của một số tiểu thương, PV đã tìm đến các cửa hàng
hóa chất trên phố Hàng Buồm (Hà Nội). Qua tìm hiểu được biết, loại phẩm màu thường được giới buôn bán tôm khô mua nhiều là “Dark Red NS 22 Colour” (đủ các loại màu), với giá 250.000 đồng/lọ hoặc nước nhuộm màu với giá rất bèo: 10.000 đồng/lọ nhỏ. Chỉ cần nhỏ một vài giọt ra giấy, PV đã thấy nó “phát huy công dụng” khi có màu đỏ rất bắt mắt. Cũng theo quan sát, các lọ thuốc này có rất ít thông tin về thành phần bên trong, chỉ thấy ghi đơn giản bên ngoài là "Made in Thailand (với lọ to), còn lọ nhỏ thì không có bất kỳ thông tin nào. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng đều khẳng định... bằng miệng rằng họ đã được phép kinh doanh sản phẩm này.
|
Lọ thuốc màu nhỏ có giá 10.000 đồng/lọ, được bán ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. |
Clip thuốc “Dark Red NS 22 Colour” với đủ màu đỏ, hồng, cam... được bán trên phố Hàng Buồm, Hà Nội.
Trao đổi với Kiến Thức, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm sinh học, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Những chất màu này hiện không có trong danh mục phụ gia thực phẩm của nhà nước. Chính vì thế nên cũng không có thông tin gì về việc nó có chứa độc tố hay không? Còn theo tài liệu và thông tin mà tôi có được thì những chất màu này dùng trong lĩnh vực mỹ phẩm, ví dụ: Người ta dùng để làm son môi, đồng thời cũng dùng cho một số sản phẩm sơn".
Cũng theo ông Thịnh, thông tin ghi bên ngoài lọ thuốc là do
Thái Lan sản xuất. Nhưng liệu có bị nhái hay không cũng không rõ vì còn phải phụ thuộc vào bao bì, ngày sản xuất, hạn sử dụng và nắp chai, kiểm định. "Vì không có thông tin cụ thể về loại thuốc này nên rất khó để công bố độc tố bên trong ở mức độ nào. Do vậy, tôi nghĩ không nên sử dụng sản phẩm này”, ông Thịnh nói.
Trong khi đó, liên quan đến việc tại TP HCM có trường hợp tôm khô bị nghi là tôm khô nhựa, PV đã có cuộc trao đổi với ông Chu Xuân Kiên – Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Ông Kiên cho biết, hiện chưa tiếp nhận được thông tin nào từ phía người tiêu dùng phản ánh về tình trạng tôm nhựa xuất hiện trên thị trường Hà Nội. Chi cục sẽ nhanh chóng chỉ đạo các đội quản lý thị trường ra quân kiểm tra, kiểm định đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần. "Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đội quản lý thị trường xử lý thật nghiêm", ông Kiên khẳng định.
Mạnh Hưng - Thanh Ngoan