Kể từ đó, người dân địa phương thi nhau trồng loài cây này, biến nơi đây thành "kinh đô" hành, tỏi ở khu vực phía Bắc.
Những "ông trùm" đất Kinh Môn
Có mặt tại huyện Kinh Môn khi đã quá vụ hành, nhưng trong sân, vườn của nhiều hộ gia đình đều treo la liệt những giá hành, tỏi được phủ bạt tránh mưa, khi trời nắng lại lôi bạt ra phơi. Ở cái vùng đất ngàn năm chiêm trũng này, hành là thứ cây trồng được ưu ái đặc biệt, vì có thể để được cả năm trời, trong điều kiện khô ráo mà không sợ bị thối mốc...
Bà Phạm Thị Hị một người dân trồng hành, tỏi ở thôn Trại Sáu hỉ hả dẫn chúng tôi đến khu vườn rộng hàng trăm mét vuông được quây bạt, nilon kín mít với những kệ hành tỏi tầng lầng lớp lớp của gia đình khoe rằng. Năm nay được mùa hành, năng suất gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần năm ngoái. Nói rồi, bà cầm bó hành khô lên giới thiệu luôn: "Các chú nhìn những củ hành này rất to, mẩy mà củ nào cũng đều như nhau. Nếu tính ra thì chỉ 35 - 40 gốc hành là đã được 1kg rồi, trong khi năm ngoái phải gom khoảng 50 gốc hành mới đủ 1kg".
|
Trong nhà của mỗi gia đình huyện Kinh Môn thời điểm này đều đầy ắp hành, tỏi. |
Theo người dân huyện Kinh Môn thì hành là loại cây thâm canh vào vụ đông, thời gian sinh trưởng, khoảng 3 - 4 tháng. Thu hoạch hành xong vừa lúc vào vụ lúa chiêm - xuân, nếu canh tác như thế này thì trên đất lúc nào cũng có cây hoa màu, cho thu nhập cao, liên tục, trong khi vụ sau tận dụng được lượng phân bón dư thừa của vụ trước, giúp tăng năng suất cây trồng.
Khi được hỏi về năng suất của cây hành so với cây lúa, ông Nguyễn Văn Sinh, Bí thư thôn Trại Sáu cười lớn bảo: "Cây lúa không thể so sánh được với hành. Như gia đình tôi, cũng 3 sào ruộng nếu trồng lúa thì chỉ đủ ăn thôi, nhưng trồng hành thì có thể làm được nhà, mua được xe, cuộc sống sung túc. Nếu tính ra thì trồng lúa chỉ đem lại thu nhập vài triệu đồng/1 vụ, nhưng trồng hành thì được 30 - 40 triệu đồng/vụ, nói thế để các chú thấy được độ chênh lệch về thu nhập giữa hành và lúa cách xa nhau đến nhường nào".
|
Ông Nguyễn Văn Sinh đưa hành lên các giá phơi. |
Sau trận cười rôm rả, ông Sinh liệt kê ra những ông trùm hành ở đất Kinh Môn, nào là nhà anh Hưng, anh Thiết, chị Giang... mỗi vụ thành thu hàng trăm triệu đồng chứ chả chơi, như nhà ông chỉ là hạng "tép riu".
Ông Sinh dẫn chúng tôi ra con đường ven thôn chỉ về phía bên kia con đường lớn khoe: "Các chú nhìn dãy nhà ba bốn tầng san sát nhau bên kia kìa, đấy là những hộ giàu lên nhờ trồng hành, tỏi đấy, ở đất này hễ nhà nào có ruộng là nhà đó trồng hành, những ngôi nhà khang trang như thế trước đây dân chúng tôi không dám mơ đến, nhưng giờ chuyện đó trở nên quá dễ dàng, tất cả là nhờ hành, tỏi".
|
Hành, tỏi trồng ở Kinh Môn thường đem lại sản lượng cao hơn so với những nơi khác. |
Hành xuất ngoại
Khi được hỏi về thị trường của hành, tỏi ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ nhiệm HTX Thượng Quận bảo: "Cây hành, tỏi xuất hiện ở mảnh đất Kinh Môn khi nào không ai nhớ rõ, nhưng dấu mốc quan trọng nhất đưa cây hành nơi đây tiến xa ra thị trường chỉ mới 20 năm trở lại đây. Lúc đó, thị trường hành tỏi chủ yếu được tư thương mua đi bán lại trong huyện, tỉnh... rồi một thời gian ngắn sau đó, không biết lái buôn từ đâu nườm nượp đổ về Kinh Môn thu mua hành, lúc này, cây gia vị hành, tỏi bắt đầu cuộc xâm nhập tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Thời đó, hành Kinh Môn còn xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu, đến năm 1990, Liên Xô sụp đổ, thị trường ngoại quốc bị ngưng trệ, tư thương lại tìm cách bán hành sang Lào, Cam Phu Chia, Thái Lan...".
Một đặc điểm tạo nên lợi thế cho hành, tỏi Kinh Môn đó là về chất lượng không nơi nào sánh kịp. Ông Thanh tự hào khoe: "Không hiểu vì sao mà giống hành, tỏi này chỉ trồng được ở đất Kinh Môn thì củ mới to, mẩy, sản lượng lớn. Giống hành Kinh Môn đã được đem trồng ở một số địa phương khác như huyện Nam Sách, Kim Thành... nhưng lạ là cùng chế độ chăm sóc như nhau nhưng hành trồng ở những nơi này rất xấu, củ nhỏ, sản lượng thấp, người dân không những không có lãi mà thậm chí còn lỗ hoặc hòa vốn, mặc dù xét về vị trí địa lý thì huyện Nam Sách, Kim Thành với Kinh Môn cách nhau không xa lắm".
|
Bà Phạm Thị Hị khoe hành, tỏi năm nay năng suất gấp nhiều lần năm ngoái. |
Nói về tương lai mở rộng thị trường của hành, tỏi nơi đây, ông Thanh cho biết: "Hiện nhu cầu tiêu thụ nội địa rất lớn, nhưng tiêu thụ trong nước giá thường thấp, nếu mặt hàng này được chế biến ra các sản phẩm như sấy khô, hành muối... đem xuất khẩu ra nước ngoài thì giá trị sẽ cao hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại. Chính vì thế mà một số doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến loại nông sản này trên địa bàn đang tìm cách mở rộng thị trường sang các nước châu Âu và Mỹ...".
"Hiện tại có tới 90% hộ dân trong xã trồng hành, tỏi với diện tích lên đến 200ha, đem lại lợi nhuận hàng chục tỉ đồng cho người dân địa phương mỗi năm, đây chỉ là con số rất nhỏ so với một số xã khác trong huyện như Hiệp Hòa, An Phụ... Hiện đã có nhiều gia đình xây được nhà, mua được xe nhờ việc trồng hành, tỏi. Điều đặc biệt là hành, tỏi càng khô thì giá càng cao, trong khi tỷ lệ hao hụt giữa hành khô và nhan nhát là không nhiều, cho nên người dân có thể để hành đến cả năm trời mới bán nhằm tăng gấp đôi thu nhập".
Ông Nguyễn Đức Thanh (Chủ nhiệm HTX Thượng Quận)
Quách Văn