Lầm tưởng khó đỡ về sách điện tử

Google News

(Kiến Thức) - Sách điện tử hiện được ưa dùng bởi các yếu tố như khả năng lưu trữ thông tin cao, tiện lợi khi di chuyển, đọc được ở mọi nơi mọi lúc...

Nhiều người cho rằng, với sự ra đời của công nghệ giấy điện tử (e-paper) hay mực điện tử (e-ink) khiến cho những thiết bị đọc thế hệ mới trông giống sách giấy đến kinh ngạc, có thể khắc phục nhược điểm của việc sử dụng điện thoại thông minh hay iPad làm thiết bị đọc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự khác biệt giữa hai dòng thiết bị đọc số này không đáng kể đối với tình trạng căng, mỏi mắt và càng không thể thay thế sách giấy.
Công nghệ tiên tiến
Theo KS Phạm Minh Đức, Công ty Cổ phần công nghệ An Phú, sách điện tử hiện được ưa dùng bởi các yếu tố như khả năng lưu trữ thông tin cao, tiện lợi khi di chuyển, đọc được ở mọi nơi mọi lúc... Thiết bị đọc chủ yếu sử dụng các loại máy hiện đại như iPad, điện thoại cảm ứng màn hình rộng, hoặc các thiết bị đọc chuyên dụng sử dụng công nghệ giấy điện tử hay mực điện tử. Giấy điện tử là một công nghệ cho phép thay đổi hình ảnh hiện thị hấp thụ trên một loại “giấy”, được sản xuất bởi công nghệ điện tử hữu cơ sử dụng chất dẻo dẫn điện, bên trong chứa các bi tích điện bé xíu có thể quay, hoặc chuyển động dưới điện trường tạo ra bởi các điện cực, làm thay đổi hiển thị trên giấy như các điểm ảnh trên màn hình máy tính. 
Điều khác biệt là giấy điện tử không phát sáng mà chỉ hấp thụ và phản xạ ánh sáng tự nhiên, giống như hiển thị trên sách báo, do vậy có thể làm người đọc cảm thấy gần như đang đọc sách giấy. Loại “giấy” này làm bằng chất dẻo, có thể uốn được, nhẹ, nhất là các điểm ảnh có thể giữ nguyên trạng thái mà không cần nguồn năng lượng... nên tiết kiệm năng lượng và không nhấp nháy tần số cao có thể ảnh hưởng đến thị giác.
Lam tuong kho do ve sach dien tu
 
Mắt cần nghỉ giãn cách sau 20 phút đọc 
Nhiều người cho rằng, màn hình e-ink giúp giảm sự mỏi mắt hơn so với màn hình LCD hay AMOLED (màn hình phổ biến của điện thoại thông minh hoặc iPad), nhưng các nghiên cứu đã kết luận rằng, không có sự khác biệt giữa việc đọc trên hai loại màn hình này liên quan đến sự mệt mỏi và căng thẳng thị giác. Bởi thực tế các màn hình LCD hiện đại có độ phân giải cao gần như cũng không gây ảnh hưởng gì đến thị giác người xem. 
TS Travis Meredith, chuyên gia khoa nhãn khoa tại Đại học North Carolina (Mỹ) khẳng định, đọc trên màn hình sẽ không gây ra bất kỳ tác hại nào đối với thị giác mà chính các trạng thái màn hình cùng với việc người dùng lười nhấp nháy mắt khi quá chú ý nhìn chằm chằm lúc đó mới là nguyên nhân gây mỏi mắt. 
GS Alan Hedge, Giám đốc Phòng thí nghiệm An toàn môi trường và Các yếu tố con người, tại Đại học Cornell (Mỹ) cũng cho biết, việc giảm mỏi mắt thực tế không liên quan đến lựa chọn loại màn hình hiển thị mà chủ yếu là việc cần nghỉ ngắn trong khoảng thời gian nhìn vào màn hình. Khi chúng ta đọc, một loạt các cơ ở xung quanh mắt phải hoạt động và có thể gây ra căng thẳng, bất kể chúng ta đang tìm kiếm tại các điểm ảnh hoặc giấy. “Trong khi bạn đang đọc, đôi mắt của bạn thực hiện khoảng 10.000 cử động một giờ. Điều quan trọng là cứ mỗi 20 phút đọc thì nên để cho mắt nghỉ ngơi", TS Hedge giải thích.
Đồng quan điểm, KS điện tử Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cũng cho hay, các thiết bị đọc số sử dụng công nghệ hiện đại, được thiết kế với màn hình phẳng tiên tiến, nên về mặt công nghệ kỹ thuật hầu như không gây tác hại gì đối với người xem. Ánh sáng từ màn hình phát ra cũng đã được nghiên cứu để tương thích trong điều kiện tốt nhất đối với mắt người, không quá mờ, nhưng cũng không gây chói, lóa mắt. Tuy nhiên, điểm yếu của các thiết bị này thường là co chữ rất nhỏ khiến người đọc nhanh mỏi mắt. 
Hơn nữa, khi đọc sách điện tử thì khoảng cách từ mắt đến trang sách cũng gần hơn khi đọc sách giấy khiến mắt phải làm việc căng hơn. Do vậy, khi đọc sách điện tử nên chú ý thời gian cho mắt nghỉ giãn cách. Sách điện tử chỉ nên sử dụng vào mục đích giải trí như xem hình ảnh, đọc truyện ngắn... Không nên sử dụng để đọc tài liệu, nghiên cứu, bởi thiết bị này không bao quát được vấn đề do có sự hạn chế của khung hình, các trang không liền mạch...
Đọc – không chỉ là con chữ
Theo Tạp chí Scienctific American (Mỹ), những khía cạnh cảm nhận khi đọc sách giấy có ý nghĩa hơn chúng ta vẫn tưởng. Ví dụ như cảm giác khi cầm một quyển sách trên tay, cảm nhận độ dày, kích thước, mặt giấy, mùi mực, hay cả cái thú của việc ta có thể dùng tay mà là phẳng hay gấp lại một trang giấy và cả cái âm thanh không lẫn đâu được khi ta lật giở từng trang. Cho đến nay những văn bản số vẫn chưa thể tái dựng được đầy đủ những cảm giác đó.
Huy Khánh