Đây là ý kiến ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam).
Chỉ có tác dụng... đeo chơi
Phản ánh với Kiến Thức, anh Trần Duy Tân, chủ một chuỗi các cửa hàng bán đồ thể thao tại TPHCM và Đồng Nai cho biết, vòng power balance từng được biết đến là loại vòng có thương hiệu được sản xuất tại Mỹ, nhưng không có đơn vị đại diện phân phối sản phẩm tại Việt Nam. Hàng này bán tại thị trường Việt Nam nói nhập khẩu đều là hàng xách tay. Chúng tôi cũng đã từng bán loại vòng này cũng qua đường xách tay cho những người chơi thể thao. Nhưng sau khi thấy vòng không có tác dụng và nhiều người mua cũng phàn nàn nên phải dừng bán. Hiện trên thị trường đa số là hàng nhái, sản xuất tại Trung Quốc, mẫu mã bao bì không khác gì vòng được cho là có tác dụng "cân bằng năng lượng" trước đây, giá chỉ vài chục ngàn tới 100.000đ một cái là cao nhất, người mua không biết là bị lừa dễ dàng!".
Chị Thu Hằng, đại diện cho Hãng HEAD tại Việt Nam, điều hành hệ thống cửa hàng thể thao Worl Of Sports cho biết: "Cũng giống như "thực phẩm chức năng", trong thể thao người ta cũng nghiên cứu một số công cụ hỗ trợ cho vận động nhằm nâng cao thành tích, nhưng đó là những giải pháp khoa học thực sự. Tất cả những mặt hàng này nếu nhập khẩu chính thức, có kiểm định của cơ quan chức năng nước nhập khẩu thì mới đảm bảo. Nếu là sản phẩm liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng thì lại phức tạp hơn. Các loại hàng trôi nổi, còn gọi là hàng nhập lậu mà chức năng, tác dụng được quảng bá vô tội vạ thì không ai đảm bảo và chịu trách nhiệm cả".
|
Với bao bì, nhãn mác này không ít người tiêu dùng vẫn bị lừa về cái gọi là "cân bằng năng lượng" của vòng mang lại cho cơ thể. |
Chưa quản lý được hàng trôi nổi
Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), "sản phẩm loại này rất khó kiểm chứng, bởi chúng không phải là hàng nhập khẩu chính thức, không có nhà nhập khẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ".
Tại thị trường TPHCM hàng xách tay chưa thể quản lý. Cơ quan quản lý thị trường đều có thể tiến hành kiểm tra những cửa hàng bán mặt hàng loại này khi có phản ảnh của người tiêu dùng. Nếu sản phẩm có vấn đề về chất lượng và không xuất trình được chứng từ nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng thì có thể bị thu hồi, tiêu hủy và xử phạt. Tuy nhiên, việc kiểm tra xử phạt hàng lậu không phải lúc nào cũng giải quyết được triệt để.
Hàng xách tay không rõ xuất xứ, không có nhà phân phối tại Việt Nam chịu trách nhiệm về chất lượng, vì thế khi người tiêu dùng "tiền mất tật mang" mà không biết kêu ai. Loại hàng này hiện nay thường bán trà trộn trên thị trường và đặc biệt được phân phối nhiều trên mạng.
Nếu là sản phẩm có điện tích truyền vào cơ thể thì không phải cơ địa ai cũng cóó thể tiếp nhận, không cẩn thận còn gây hại cho sức khoẻ.
PGS.TS.Nguyễn Mạnh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Vật lý TPHCM)
Quỳnh Hương