Thị trường đồ trang trí
nội thất và đồ gốm trở nên sôi động hơn vào dịp cuối năm do nhu cầu trang trí nhà cửa, mùa cưới hỏi. Tuy nhiên, điều khó khăn với khách hàng chính là đồ gốm quá đa dạng, tràn lan các sản phẩm có nguồn gốc và xuất xứ khác nhau. Đặc biệt, các vật dụng trong nhà như ấm trà, bát, đĩa… nếu lựa chọn không cẩn thận, có thể mua phải hàng kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tràn lan hàng gốm sứ
Khảo sát các phố Lê Duẩn, hàng Khoai, Đông Tác… không khó để khách hàng tìm được “thiên đường đồ gốm”, bày bán trong cửa hàng, thậm chí tràn lan trên vỉa hè. Mức giá sản phẩm có sự chênh lệch rất nhiều giữa hàng bình dân và hàng cao cấp. Trong đó, phân khúc hàng bình dân có giá từ 200 – trên 500 nghìn đồng cho các sản phẩm theo bộ (bát, đĩa, bộ ấm trà), đồ dùng bán lẻ như bình hoa, tượng, tranh gốm có giá từ 200 nghìn trở lên.
|
Đồ gốm mạ vàng. |
Thị trường cao cấp khá “nóng” với dòng gốm vẽ vàng đắt đỏ. Một bộ đồ thờ, bộ lộc bình, chén bát… tính nhanh cũng phải tầm 40 triệu trở lên. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chủ cửa hàng trên phố Lê Duẩn: “Hàng có đẹp và độc thật đấy, nhưng sự thật người mua không nhiều bằng các loại khác vì giá quá đắt. Thời buổi kinh tế khó khăn, năm nay, cửa hàng chuyển hướng sang các loại giá vừa vặn hơn”.
Ngoài ra, các vật dụng gốm hàng nhập khẩu cũng đang “chen chân” trong thị trường đồ gốm. Hầu hết sản phẩm có sự phối hợp hài hòa yếu tố hiện đại và họa tiết trang trí truyền thống của các nước như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Bên cạnh sản phẩm chính hãng, đồ gốm “nhái” hàng nhập có giá từ 100.000 trở lên, người tiêu dùng đã có thể sở hữu được một chục chén đẹp “lung linh”.
Mặc dù không đắt bằng gốm vẽ vàng, nhưng “chát” hơn khá nhiều so với đồ gốm bình dân hoặc một số dòng nhập khẩu; gốm truyền thống, họa tiết trang trí được vẽ bằng tay do nhiều tên tuổi trong ngành sản phẩm mỹ nghệ như Bát Tràng, gốm Mai, Đông Gia sản xuất… giá từ 600.000 đến trên 3 triệu đồng (theo bộ) lại có sức hút hơn cả.
|
Đồ gốm họa tiết truyền thống. |
Chị Hà Minh (nhân viên cửa hàng đồ gốm Trần Đăng Ninh kéo dài) cho biết: “Đồ gốm dòng truyền thống rất khác biệt ở màu men tới từng kiểu dáng và họa tiết, lại thường xuyên thay đổi mẫu mã bắt mắt. Giờ khách hàng cũng khá kỹ tính khi chọn lựa, nên sản phẩm đắt hơn một chút vẫn mua được vì giá trị thẩm mỹ và sử dụng cao, loại cao cấp quá thì hàng khó bán chạy vì không vừa túi tiền. Từ khoảng tháng 10 trở lại đây, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng trên 10 bộ gốm truyền thống, chưa tính hàng bán lẻ, hàng đặt về các tỉnh. Nhiều khách mua về dùng hoặc làm quà cưới, mừng tân gia mà vẫn lịch sự… Rất có thể sức mua cuối năm, gần tới tết sẽ tăng mạnh, bộ ấm trà, đồ thờ và lọ hoa vào năm ngoái cháy hàng.
Anh Hà Trọng Đức (
Công ty tư vấn thiết kế nội thất) cho biết: “Hiện tại người dân đang trì hoãn việc mua các mặt hàng có giá trị lớn như đồ nội thất nhưng cuối năm, khả năng tài chính trở lại thì họ sẽ lại thường xuyên đi mua sắm và có thể sẽ mua nhiều đồ gốm và phụ kiện trang trí nội thất hơn. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất gốm truyền thống đã thay đổi bắt mắt hơn. Sản phẩm thủ công tăng giá trị của mặt hàng gốm và phụ kiện trang trí nội thất và cũng gần gũi hơn với thẩm mỹ của người dùng, vì thế, nó đánh bật các sản phẩm ngoại lai, không rõ nguồn gốc”.
|
Thị trường đồ gốm phong phú. |
Chia sẻ khi đang mua hàng tại phố Trần Đăng Ninh, anh Nguyễn Thành Nam (nhân viên thiết kế) cho biết: “Giờ ra chợ là sẵn có ngay, nhưng quả thực không yên tâm chất lượng, nhiều loại quá. Một số mẫu của Trung Quốc trôi nổi ngoài thị trường, sao chép họa tiết trang trí trên đồ dùng, bán rẻ hơn rất nhiều, nếu nhìn sơ qua khó nhận ra lắm. Mình thích chọn hàng truyền thống vì tạo được sự khác biệt cho căn nhà”.
Chọn sao cho đúng?
Chính vì mặt hàng đa dạng, khiến
khách hàng không khỏi lúng túng khi chọn mua. Tuy nhiên, theo lời khuyên của TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm: “Các thí nghiệm cho thấy đồ gốm sứ hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn, gây hại cho sức khỏe, nhất là hàng kém chất lượng. Do đó, với những đồ dùng như bát đĩa gốm nên mua loại có nguồn gốc, màu trắng, ít hoa văn, trơn nhưng không quá bóng loáng”.
Ngoài ra, một cách kiểm tra khá đơn giản đó là dùng ngón tay gõ vào đồ sứ, nếu nghe tiếng kêu giòn, trong… thì đó là sản phẩm chất lượng tốt, ngược lại nếu nghe tiếng kêu đục và nặng thì không nên mua, bởi có thể hàng kém chất lượng.
Theo BS Vũ Hồ Bắc (bệnh viên đa khoa Hà Đông) thì, đã đến lúc người tiêu dùng nên đặt yếu tố sức khỏe lên hàng đầu. Thay vì lựa chọn sản phẩm gốm giá rẻ, hàng trôi nổi, “nhái” Trung Quốc, Đài Loan, năm nào cũng phải sắm đến ba bốn lần thì chỉ cần bỏ tiền ra một lần, đắt hơn một chút mua hàng truyền thống hoặc hàng nội địa để dùng bền, hạn chế nguy cơ xấu cho sức khỏe. Đặc biệt cuối năm, là khi người Việt Nam có thói quen mua thêm chén đĩa, vật dụng trang trí. Chính người tiêu dùng phải hiểu và chọn sản phẩm tốt nhất.
Ngọc Linh