Nghỉ lễ Tết dương, làm công việc thời vụ gì kiếm bộn tiền?

Google News

(Kiến Thức) - Chụp ảnh, quay video, PG, make up, kinh doanh online… là những công việc làm thêm thời vụ giúp sinh viên và các bạn trẻ kiếm bộn tiền vào dịp Tết.

Chụp ảnh quay video, làm PG, MC, make up, cho thuê trang phục, phụ kiện chụp ảnh,… là những công việc làm thêm thời vụ giúp sinh viên kiếm bộn tiền vào dịp Tết.
1. Dịch vụ chụp ảnh, quay video
Nếu bạn có một chiếc máy ảnh, biết đôi chút kiến thức về nhiếp ảnh, làm video thì dịp tết chính là dịp "hái ra tiền" của những thợ ảnh bán chuyên như vậy. Lợi nhuận từ những album là cực lớn bởi nhu cầu chụp ảnh dịp Tết dương lịch tăng cao đến chóng mặt, đặc biệt là giới trẻ luôn thích xúng xính những bộ cánh cực đẹp đi dạo chợ hoa dịp tết.
 Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Nếu chụp đơn, đôi, giá được tính 300.000 - 500.000 đồng/buổi, chụp nhóm 4-5 người giá dao động 600.000- 800.000 đồng/buổi. Thông thường, mỗi buổi chụp chỉ kéo dài 3 tiếng. Chính vì vậy nếu bạn nào chăm chỉ chạy sô thì một ngày thu nhập có thể lên đến 2.000.000 đồng/ngày.
2. Make up
Cùng với nghề chụp ảnh thì nghề trang điểm cũng sôi động nhất vào mùa cuối năm. Bởi bạn nữ nào cũng muốn mình trở nên xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn cho những bộ ảnh kỷ niệm của mình. do đó, bạn có thể tận dụng tay nghề make up của mình để kiếm thêm thu nhập.
  Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Đối với make up sinh viên thường giá rẻ hơn nhiều so với các chỗ make up chuyên nghiệp khác. Trung bình mỗi mặt tầm 150.000-300.000 đồng/mặt. Nếu trang điểm theo nhóm thì một ngày bạn có thể đút túi ít nhất 1.000.000 đồng/ngày.
3. Bán và cho thuê trang phục, phụ kiện chụp ảnh
Bên cạnh đó, bạn có thể làm những đồ cầm tay xinh xắn, những phụ kiện đáng yêu như vòng hoa đội đầu, hoa cầm tay hay bóng bay,... để cho thuê hoặc bán.
 Ảnh minh họa - Nguồn: nhiếp ảnh Minh Way.
Trên mạng xã hội, hiện nay có rất nhiều trang cho trang phục, phụ kiện chụp ảnh, mỗi lần thuê giao động từ 15.000-30.000 đồng, nếu mua cả sẽ có giá từ 80.000-100.000 đồng đối với phụ kiện; giá thuê từ 70.000 - 120.000/bộ/ngày đối với các các bộ trang phục như áo dài, váy dạ hội, yếm, trang phục cosplay..., riêng váy cưới là 200.000/bộ/ngày.
4. Làm MC, người mẫu ảnh cho các tạp chí
Một số bạn xinh xắn, gương mặt ăn ảnh thì lại tìm tới những công việc yêu cầu ngoại hình như làm người mẫu ảnh, MC... Công việc đơn giản nhưng thu nhập cũng không nhỏ.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet. 
Chẳng hạn, các bạn có thể tham gia làm mẫu chụp hình catalogue, các sản phẩm thời trang, giày dép... cho các cửa hàng online hay các thương hiệu thời trang. Đối với những gương mặt quen thuộc, trung bình mỗi buổi chụp ảnh được trả trên dưới 1 triệu đồng. Còn với gương mặt mới sẽ dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/buổi chụp.
Thông thường, những nhãn hàng có thương hiệu tốt thường trả thù lao cao hơn so với các cửa hàng bình dân nhưng việc tuyển dụng lại chặt chẽ hơn, yêu cầu về người mẫu khắt khe hơn.
Còn đối với các bạn muốn làm thêm nghề làm MC thì giá thuê một Mc dao động từ 500.000 - 5.000.000 tùy thuộc vào chương trình, thời gian, địa điểm, yêu cầu của đơn vị thuê và đối tượng được thuê.
5. Làm PG
Bên cạnh đó, vào dịp cuối năm, nhiều nhãn hàng đua nhau khuyến mãi, giảm giá đi kèm tổ chức các hoạt động quảng bá thương hiệu nhằm kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là dịp nghề PB, PG vào mùa bội thu.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.  
Đối với các PG mới, chưa có kinh nghiệm thì thù lao không cao, dao động 50.000 - 80.000 đồng/ca 2 - 2,5 tiếng. Còn đối với các PG có kinh nghiệm, ngoại hình khá, có mối quen thì cát-xê lên đến 150.000 – 200.000 đồng/ca 2 tiếng.
Có thể nói, công việc làm thêm kiếm tiền mùa Tết dương lịch rất đa dạng. Ngoài những công việc nêu trên còn rất nhiều các công việc khác mang lại khoản thu nhập khá như, bảo vệ, phục vụ nhà hàng, làm đồ handmade,...Chỉ cần bạn cố gắng tìm kiếm thì sẽ thấy rất nhiều công việc phù hợp với mình.
Tuy nhiên, công việc thời vụ cũng tiềm ẩn không ít sự cố đòi hỏi sinh viên cần tỉnh táo khi tìm việc. Bởi bên cạnh sự sôi động của thị trường lao động thì nhiều đối tượng lừa đảo việc làm cũng bắt đầu “giăng bẫy” chờ con mồi.
Có không ít trường hợp sinh viên làm công việc thời vụ nhưng cuối cùng không nhận được tiền do tìm hiểu không kỹ lưỡng, không nắm rõ người tuyển dụng quản lý mình trực tiếp nên… không biết đâu để hỏi lương.
Chính vì vậy, để tránh “sập bẫy” lừa đảo việc làm, các chuyên gia nhân sự khuyến cáo người lao động cảnh giác với những trung tâm giới thiệu việc làm có cơ sở vật chất sơ sài, chưa tư vấn rõ ràng đã yêu cầu đóng tiền đặt cọc.
Hồng Liên