Theo Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Tập đoàn Kangaroo (đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm tại Việt Nam), loại nồi áp suất trải qua nhiều thế hệ, chủng loại. Hiện trên thị trường phổ biến có hai loại nồi áp suất là cơ và điện tử, nắp liền và nắp rời, đa chức năng tự động hầm, nấu cháo, nấu cơm, canh.
Nồi áp suất có phần thân thiết kế từ nguyên liệu thép sơn tĩnh điện hoặc inox. Phần điện bao gồm một mâm điện trở công suất từ 900 – 1.000W. Bộ phận điều khiển nồi áp suất dạng cơ dùng đồng hồ thời gian, tùy chế độ nấu được cài đặt sẵn thời gian khác nhau (mặc định), loại điện tử sử dụng bảng điều khiển điện tử, có thể tùy chọn cài đặt các chế độ, thời gian, hẹn giờ.
Bộ phận quan trọng của nồi áp suất là gioăng làm kín và van áp suất để giữ hơi nhiệt (áp suất) trong nồi, giúp thực phẩm chín đều từ trên xuống dưới, không cần đảo, trộn. Ruột nồi đáy tổ ong, dày 2.0mm, mạ chống dính.
Khi cắm vào nguồn điện, bộ phận gia nhiệt (mâm nhiệt) sẽ sinh nhiệt làm nóng ruột nồi, bộ phân gioăng và van áp suất sẽ giữ áp suất trong ruột nồi làm nhiệt tỏa đều trong nồi, chín nhừ thực phẩm. Tùy chế độ nấu, hệ thống rơle sẽ ngắt và chuyển sang chế độ ủ duy trì nhiệt độ từ 85 - 95 độ C, giúp thực phẩm luôn được giữ nhiệt đều.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại nồi áp suất dùng điện cần dùng đúng điện áp. Đối với tất cả các loại nồi áp suất như nồi nấu bằng bếp gas, bếp điện từ, nồi áp suất điện thì đều phải thường xuyên vệ sinh gioăng làm kín, van an toàn, van áp suất, tránh thất thoát hơi. Chọn đúng chế độ nấu đối với từng loại thực phẩm để đạt hiệu quả cao nhất. Không dùng vật sắc nhọn làm hỏng lớp chống dính lòng nồi.
Q.Hương