Để giảm chi phí sản xuất, có cơ sở sản xuất bánh mì nhỏ lẻ mua nguyên liệu bột trôi nổi, kém chất lượng, do độ xốp của loại bột này kém, nên chất lượng thấp, độ nở không đạt... để khắc phục tình trạng này, các chủ cơ sở buộc phải “lụy” loại hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc như Kali bromat (KBrO3) để sản xuất bánh mỳ chứa chất phụ gia gây ung thư.
Kali bromat là chất giúp làm giảm thời gian nướng và làm nở bột bánh, bởi vậy nó được các công ty sản xuất bánh mì ưa chuộng vì giúp họ có thể tiết kiệm tiền. Thế nhưng, việc sử dụng Kali bromat trong bánh mì lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho người ăn. Nó liên quan đến bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư thận, và đã bị cấm tại nhiều quốc gia bao gồm EU, Brazil, Peru, Hàn Quốc, và Trung Quốc.
Kali Bromat và nguy cơ ung thư thận, tuyến giáp
Tin tức trên báo Chất lượng Việt Nam, vào ngày 23/5 vừa qua Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) đã tiết lộ rằng nhiều loại bánh được ưu chuộng hiện nay tại Ấn Độ chứa nồng độ chất phụ gia Kali Bromat cao có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Ngay sau khi phát hiện bánh mì nhiễm chất độc gây bệnh, các nhà khoa học tại Ấn Độ đã quyết định tiến hành thử nghiệm hàng loạt các mẫu bánh tươi, bánh trong nhà hàng ăn nhanh cũng như bánh mì đóng gói sẵn bán rộng rãi trên thị trường.
Thật không ngờ, hầu hết các mẫu bánh đều chứa chất Kali Bromat dù là bánh không có thương hiệu, đến những loại bánh có thương hiệu rõ ràng như bánh pizza của Delhi … cũng chứa chất cấm gây hại sức khỏe, đặc biệt có thể gây ung thư, loạn tuyến giáp.
Chính vì vậy, mới đây, tại New Delhi, Cơ quan tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã ban bố trên toàn quốc lệnh cấm sử dụng chất phụ gia Kali bromat hay KBrO3 trong các sản phẩm bánh mỳ.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nghiên cứu khẳng định những dấu vết của chất phụ gia trên trong các mẫu phẩm bánh tại thủ đô này.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC) khẳng định, Kali Bromat là chất oxy hóa mạnh, có thể phá hủy tế bào, được biết như là nguyên nhân gây ung thư ở động vật và có thể gây ung thư cho người. Nó liên quan đến bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư thận, rối loạn hệ thần kinh
Chất này đã bị cấm ở nhiều nước, nhưng Ấn Độ cho tới nay vẫn cho phép sử dụng chúng trong sản xuất bánh dù có một số quan ngại.
|
Hầu hết những chiếc bánh mỳ vàng óng, căng phồng bắt mắt được dử dụng bột nở, phụ gia. (Ảnh minh họa). |
Tại Việt Nam, chất phụ gia bánh mì Kali Bromat cũng đã bị cấm sử dụng theo công văn mới đây nhất số 62 ban hành ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay chất phụ gia độc hại này vẫn được rao bán tràn lan ở trên thị trường và trên mạng online.
Thông tin trên báo Dân trí, tháng 5/2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Tiền Giang phát hiện một số sản phẩm bánh mì hiệu FIL CO’’ (do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thần T., Q.6, TP.HCM) có sử dụng chất phụ gia KBrO3. Vụ việc này được báo cáo lên Cục ATTP, Bộ Y tế. Khi Chi cục ATVSTP TP.HCM tìm đến địa chỉ Công ty Thần T. xác minh, đơn vị này đã ngừng sản xuất.
Cục ATTP đã ban hành công văn đến Sở Y tế (số 62/ATTP-SP) về việc cấm sử dụng chất KBrO3 trong sản phẩm thực phẩm. Chi cục ATVSTP các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh mì, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng KBrO3 trong sản xuất bánh mì thì yêu cầu cơ sở sản xuất ngưng hoạt động, báo cáo Cục ATTP để có hướng xử lý.
Thông tin này được công bố gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Dò tìm trong danh mục các hóa chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo Thông tư hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm (số: 27/2012/TT-BYT), hoàn toàn không tìm thấy KBrO3.
Theo TS Nguyễn Lệ Hà, Phó trưởng Khoa Công nghệ Sinh học-Thực phẩm-Môi trường (Đại học Công nghệ TP.HCM - Hutech), KBrO3 là loại bột/tinh thể màu trắng, tác nhân oxy hóa, không mùi vị, được sử dụng như phụ gia trong một số sản phẩm, thường gặp là các sản phẩm từ bột mì (bánh mì, hamburger, pizza, bánh donut, cracker...), và khả năng có trong nước uống đã được khử trùng bằng ozon. Trong thuốc duỗi tóc thẳng và uốn tóc cũng có chất này và khi thử nghiệm chất trên động vật, có kết quả gây ung thư thận và tuyến giáp. Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư xếp loại KBrO3 có khả năng gây ung thư cho người.
Ghi nhận một số trường hợp ngộ độc do KBrO3 thấy triệu chứng: hệ tiêu hóa bị kích ứng nặng: nôn, đau, tiêu chảy; hệ thần kinh bị tổn thương: hôn mê, hạ huyết áp, mất phản xạ. Di chứng của việc này là suy thận hoặc tử vong, giảm khả năng nghe.
Bánh mì truyền thống không dùng phụ gia, 4 nguyên liệu cơ bản gồm bột mì, nước, muối và nấm men. Tùy loại bánh mà có thể sử dụng thêm trứng, đường, sữa, cacao, bơ, hạt khô… Tuy nhiên, hiện nay gần như tất cả cơ sở, doanh nghiệp đều sử dụng phụ gia được cho phép để sản xuất bánh mì.
Trên thị trường, giá bột mì dao động từ 10.000-15.000 đồng/kg. Ngoài bột mì, muối, nước, các cơ sở uy tín còn dùng thêm các loại bột trộn, men bánh mì tươi, Vitamin C dạng viên, sữa hoặc bơ. Thế nhưng, các cơ sở nhỏ lẻ, mua nguyên liệu bột trôi nổi, kém chất lượng, do độ xốp của loại bột này kém, nên chất lượng thấp, độ nở không đạt... để khắc phục tình trạng này, các chủ cơ sở buộc phải “lụy” loại hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc như KBrO3.
Theo TS. Nguyễn Lệ Hà, KBrO3 có thể được bổ sung vào bột mì khô, cũng có thể bổ sung vào quá trình nhào trộn khi làm bánh nhằm giữ hương vị và độ xốp tốt nhờ đó tiết kiệm thời gian nhào và ủ bột. Chất này có thể bị phân hủy trong quá trình nướng bánh, nhưng nếu thời gian nướng không đủ lâu hoặc nhiệt độ nướng không đạt mức cao cần thiết thì vẫn còn dư lượng KBrO3 trong sản phẩm.
Cách nhận biết
Hầu như rất khó nhận biết một chiếc bánh mì chứa Kali Bromate hay không, nhưng có một chi tiết nhỏ “tố cáo” sự khác biệt giữa bánh mì “sạch” và bánh mì chứa Kali Bromate là đường xẻ cánh bánh mì. Bánh mì chứa Kali Bromate có đường xẻ cánh rất cao và cứng, ngược lại, bánh mì không chứa Kali Bromate khó có được điều này. Yếu tố có thể kết hợp để nhận biết đó là ruột bánh. Nếu ruột bánh không đặc mà bánh có độ xé cánh cao, thì khả năng chiếc bánh mì đó có chứa Kali Bromate càng cao.
>>> Mời quý độc giả xem video Thực phẩm bẩn (nguồn VTV):
Theo Người Đưa Tin