Khi đi sắm sửa Tết, chẳng bà nội trợ Hà Nội nào lại quên thêm vào giỏ hàng của mình những hộp ô mai thật ngon và đẹp mắt để tiếp khách. Ô mai là thứ đồ ăn khó có thể thiếu được trong hương vị tết ngày nay bởi nó phong phú với đủ các vị mặn ngọt chua cay dễ chiều lòng tất cả mọi người.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất lợi dùng sự tin tưởng của khách hàng, đã chế biến ra những loại ô mai bẩn, mất vệ sinh. Nguyên liệu để làm các loại ô mai này hầu hết đều không được đảm bảo. Ô mai sử dụng các loại quả thối (như sấu, quất, mận, nho…) để sản xuất. Sau khi được tẩm ướp hóa chất, các nguyên liệu bẩn, kém vệ sinh này được chế biến thành những sản phẩm rất hấp dẫn mà chúng ta rất khó để phát hiện ra khi ăn.
PV báo phụ nữ TP HCM đã có một cuộc khảo sát tại một số khu chợ lớn tại Hà Nội chuyên kinh doanh bánh mứt kẹo như Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông,... các loại mứt, ô mai được bày bán la liệt khắp các khu chợ, đường phố không được che chắn, bụi bẩn, vô cùng mất vệ sinh.
|
Ô mai bày bán la liệt tại các chợ, không được đậy kín, bụi bẩn, mất vệ sinh |
Bên cạnh, đó là những loại ô mai đóng gói sẵn khoảng từ 5 lạng – 1 kg, hoặc được được “đổ đống” trong những rổ nhựa để khách hàng dễ chọn lựa hoặc chứa đầy trong các bọc ni lông, bọc giấy lớn, không hề có thành phần, nguyên liệu, phụ gia, hạn dùng… hay bất kỳ một thông tin về sản phẩm nào giành cho người tiêu dùng. Vì giá các sản phẩm cũng rất cũng khá rẻ , từ 25.000 – 55.000 đồng/kg tùy loại nên mặc dù không đảm bảo vệ sinh nhưng các gian hàng này vẫn khá hút khách.
Khi được hỏi về xuất xứ của các loại ô mai này thì một vài chủ cửa hàng đều khẳng định đây là ô mai loại 1, được lấy từ các làng nghề có truyền thống làm ô mai lâu năm.
Mới đây phóng viên VTV24 đã có cuộc điều tra tại một cơ sở sản xuất ô mai ở khu đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng, Hà Nội. 8h tối, khu biệt thự liền kề chưa có người ở này được các chủ hàng sử dụng để làm kho chứa đồ, nguyên vật liệu làm ô mai.
Trên nền đất ẩm ướt, hàng trăm bao tải căng phồng, phủ bạt kín mít, bên trong là các loại ô mai đã tích trữ lâu ngày đã bốc mùi ẩm mốc. Các loại dụng cụ để phơi ô mai cũng được để sẵn trong góc nhà. Con đường phía trước cửa nhà cũng được tận dụng để làm nơi phơi ô mai. Những tấm vải bạt để phơi ô mai rất bẩn, bên trong là ô mai đã bị chảy nước. Thậm chí, chủ của những tấn ô mai này không thèm đưa cất, trông nom ô mai mà cứ để chúng phơi bên đường qua đêm, trùm bạt lên và đè thêm vài viên gạch.
Khi ăn phải các loại ô mai bẩn như vậy, nguy cơ bị đau bụng là rất cao. Không những thế, nó còn dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc thực phẩm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng như gan, mật, thận...
Sản phẩm càng có màu sắc lòe loẹt càng độc hại vì có thêm các loại phụ gia, phẩm màu. Phẩm màu trôi nổi là tác nhân gây nhiều loại bệnh cho gan, thận, về lâu dài gây ung thư cho người sử dụng. Ô mai không nguồn gốc thường có vị mặn quá hoặc ngọt quá. Ô mai mặn cao, nếu ăn thường xuyên sẽ tạo thành thói quen ăn mặn, thừa muối, nguy cơ tăng huyết áp sớm.
Để chọn được mứt, ô mai ngon, sạch Cô Hồng (42 tuổi, Hà Nội), chủ của hàng ô mai truyền thống tại đường Hồ Tùng Mậu sẽ chia sẻ một vài mẹo như sau:
"Mua mứt, ô mai nên tránh các loại mứt, ô mai có màu sắc rực rỡ, vì dễ bị dùng màu công nghiệp, chứa nhiều kim loại nặng. Tuyệt đối không chọn mứt có màu sắc không nguyên gốc (như mứt bí nên chọn màu trắng, còn mứt bí các màu thì không nên mua).
Các loại mứt hoa quả khô, nên ngửi, sờ, nếm để phát hiện có ẩm mốc, chảy nước, mùi chua hay không. Khi mua về cần bảo quản ở nhiệt độ bình thường nên để trên bàn hay kệ tủ thoáng mát, tránh ánh nắng, không để gần bếp hoặc nơi có nguồn nhiệt, không để dưới đất, tránh bị ẩm ướt, tránh côn trùng xâm nhập.
Mứt sen trần nên chọn loại mứt sen không vỡ hạt, không dính vào nhau, thơm hoa bưởi, màu trong và trắng ngà ngà".
Mời quý độc giả xem video về thực phẩm bẩn (nguồn VTV):
Theo San San/Báo Phụ Nữ