Ông xăng dầu ơi... chúng tôi mệt vì giá tăng lắm rồi!

Google News

(Kiến Thức) - Đó là tâm trạng chung của nhiều người tiêu dùng sau đợt giá xăng lại vừa tăng hôm 28/3.

"Làm nghề xe ôm đã 10 năm, chứng kiến không biết bao nhiêu đợt điều chỉnh tăng giá xăng rồi, nhưng đúng là chưa bao giờ thấy mệt mỏi như thế này. Kinh tế khó khăn, người dân khó khăn, ai cũng kêu. Vài bữa nữa mà tăng tiếp, chắc tôi bỏ nghề", ông Nguyễn Đình Khánh, lái xe ôm, nhà ở số 46, ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ với phóng viên về việc tăng giá xăng hôm 28/3.

Bóp mồm bóp miệng mà sống


- Ông nghe tin tăng giá xăng trong hoàn cảnh nào, cảm giác của ông lúc đó ra sao?

- Hôm đó tôi có việc phải về quê. Khi đi làm thì mới nghe mấy anh em nói chuyện tăng giá xăng. Lúc đó cảm thấy buồn, chứ cũng không bức xúc hay phẫn nộ gì cả. Nhà nước bảo tăng thì mình phải chấp hành thôi. Nhưng tăng nhiều thế này thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đến đời sống sinh hoạt của cả gia đình. Thế là lại phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", cắt khoản này, bớt khoản kia thôi.

- Anh em trong nghề chia sẻ thông tin này với ông thế nào?

- Nói chung mọi người cũng chán lắm. Giá xăng tăng một lúc lên tận ngưỡng 24.580đ/lít. Tính trung bình, mỗi người làm nghề xe ôm sẽ phải chi phí thêm khoảng hơn chục ngàn đồng mỗi ngày để bù vào giá xăng. Với những người đi thuê nhà, nuôi con nhỏ, thì nó sẽ tác động trực tiếp đến bữa cơm hàng ngày. Có anh em còn bảo cứ đà này, mỗi tuần chỉ được ăn 1 bữa cơm có thịt. 

- Mỗi ngày ông chạy xe hết bao nhiêu xăng ạ?

- Trước thì tôi cứ đổ 50.000 đồng là đầy bình xăng. Nhưng giờ thì phải đổ hơn 60.000 đồng thì mới đầy. Cứ mỗi ngày là tôi chạy hết 1 bình xăng đấy!

- Giá xăng tăng thì xe ôm cũng phải tăng giá để bù lại chứ?

- Khách đã đi xe ôm thì đa phần không phải là người giàu có gì. Lấy đắt hơn thì lần sau họ không đi nữa, mình mất khách. Muốn làm nghề lâu dài thì phải giữ chữ tín. Còn không tăng giá thì mình phải bóp mồm bóp miệng để mà sống, mà thích nghi thôi. Hơn nữa, kể cả làm xe ôm thì cũng phải giữ được cái đạo đức của nghề. Cứ động khó khăn là dồn lên đầu khách, bắt chẹt khách... thì không bền vững được. Từ hôm tăng giá xăng thì một số lái xe taxi cũng đã tăng giá cước. Nhưng cánh xe ôm chúng tôi thì thống nhất là chưa nên tăng.

- Không tăng giá thì phải bù tiền vào đó là đúng rồi, sao mà kêu ca được?

- Nói như thế chứ chúng tôi cũng có những cái khó. Nhà nước tăng giá xăng, rồi chúng tôi tăng giá cước, khi đó khách không đi nữa, hoặc khách ít đi, thì chúng tôi mới là người chịu thiệt. Thôi thì thà bóp mồm bóp miệng mà sống, còn hơn là mất nghề!

Ông Nguyễn Đình Khánh (bên phải), lái xe ôm, nhà ở số 46,
ngõ 92 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội.
 

Xăng tăng, chất lượng sống đi xuống

- Ông làm nghề xe ôm bao nhiêu năm rồi?

- Tôi làm trên chục năm nay rồi.

- Hằng tháng thu nhập của ông thế nào?

- Đều đặn mỗi tháng thu nhập của tôi  là 5 - 6 triệu đồng.

- Thu nhập có đủ sống không ạ?

- Thu nhập của chúng tôi tùy thuộc vào giá xăng, mà suy cho cùng là sống nhờ vào giá xăng thôi. Khi giá xăng thấp thì còn xông xênh có lúc này lúc khác đưa cả nhà đi ăn ngoài hàng, hoặc tích cóp mua sắm đồ trong nhà. Nhưng khi giá xăng tăng quá cao như thế này thì có muốn mua cái gì cũng phải nghĩ thêm một tí.

- Nếu khó khăn quá thì trong giới xe ôm với nhau, cùng thống nhất tăng giá. Khi đó thì khách sẽ chẳng có lựa chọn khác, mà mình thì giữ ổn định thu nhập?

- Không được đâu. Khách hàng đa số là khách quen, tăng giá mình cũng khó ăn nói với khách lắm. Hơn nữa, nếu tăng cao quá thì họ sẽ chuyển sang đi taxi. Mình mất nghề còn chết nữa. 

- 10 năm trong nghề, chứng kiến nhiều lần điều chỉnh giá xăng, hẳn là ông cũng phải thấy quen với việc tăng giá xăng chứ?

- Tôi thấy mệt mỏi lắm. Chứng kiến bao nhiêu lần tăng giá xăng rồi, mỗi lần lại thấy cuộc sống của mình đi xuống một chút. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trước đây làm được 5 triệu đồng/tháng là có thể sống thoải mái rồi, nhưng giờ thì số tiền đó chẳng đáng gì. Cứ tăng thế này thì chúng tôi  mệt mỏi lắm. Mỗi lần xăng tăng là cuộc sống lại bị xáo trộn một lần.

- Cuộc sống của ông bị xáo trộn như thế nào?

- Ví dụ như giá tăng ít thì không sao, nhưng tăng nhiều thế này thì thu nhập kém đi, lại phải cắt bớt khoản này khoản kia. Những khoản không cần thiết như thuốc lá, chè, rượu... thì cũng phải hạn chế nhiều. Dù mỗi ngày chỉ phải bù thêm khoảng hơn chục ngàn đồng, không phải là số tiền lớn quá, nhưng nó vẫn gây ra xáo trộn. Mà mình thì lại không thể nào đẩy cái tăng đó cho khách được.

- Giả sử vài hôm nữa giá xăng sẽ lại tăng tiếp thì ông sẽ làm gì?

- (Cười) Có lẽ tôi sẽ nghỉ ở nhà thôi!

Đừng móc ví chúng tôi

- Nếu được quyền điều hành giá xăng dầu, ông sẽ thực hiện công việc đó như thế nào?

- Nếu buộc phải tăng giá thì tôi sẽ tăng từ từ, vài trăm đồng mỗi lít thôi chứ không tăng một lúc nhiều như thế. Tăng từ từ thì sẽ không tạo ra những cú sốc cho người tiêu dùng. Hơn nữa, tăng từ từ để những người sử dụng xăng dầu làm phương tiện kiếm sống có thời gian thích nghi hơn. Chứ tăng một lúc tận 1.430 đồng/lít thế này thì thiệt hại cho cánh xe ôm quá.

- Tôi tưởng là nếu có quyền thì ông sẽ không tăng giá chứ?

- Cũng đâu thể làm thế được. Mình hiểu Nhà nước tăng là có những lý do riêng mà. Tăng giá xăng chắc cũng để có tiền làm đường, xây trường, phát triển các dịch vụ công cộng của xã hội. Tăng là cần thiết nhưng tăng từ từ thôi. Đừng có đùng một cái móc ví của chúng tôi hàng chục nghìn đồng mỗi ngày. Chứ nếu tăng từ từ thì chúng tôi cũng thấy không có vấn đề gì đâu.

- Tăng một lúc thật nhiều thì ở góc độ là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận của ông cũng sẽ lớn chứ ạ?

- Không nên làm như thế, vì lợi nhuận gì thì cũng dựa trên sự hài hòa, dựa trên cái đúng thôi. Trong bối cảnh nhà nước đang bình ổn giá xăng dầu mà anh tăng đùng một cái lên cao thì chính người dân cũng sẽ mất đi lòng tin vào nhà nước. Ngay cả như tôi làm nghề xe ôm, chẳng ai quản lý, chẳng ai xét hỏi, nhưng cũng chẳng bao giờ dám bắt chẹt khách. Thậm chí còn nhiều lần bị khách cho "leo cây". Khách bảo đứng chờ một tí, rồi chờ mãi không thấy khách ra, thế là mình phải quay về, coi như đi làm không công. Tôi nghĩ, kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng nên giữ lấy đạo đức.

- Nhưng đạo đức không ăn được?

- Không nói như thế được. Có thể mua mớ rau 2.000 đồng về bán 3.000 đồng là hợp lý, nhưng không thể bán đến giá 10.000 đồng và cũng không thể có kiểu quát giá bao nhiêu người mua cũng phải chịu. Khách không đi xe mình thì đi xe khác, họ có nhiều lựa chọn. Tôi nói đến chữ tín trong kinh doanh là thế.

- Thu nhập của ông có đủ trang trải cuộc sống không?

- Nếu chỉ trông chờ vào nghề xe ôm này thì không thể đủ được đâu. Nhất là lại trong điều kiện giá xăng lên lên xuống xuống bất thường như thế này. Tôi phải tìm nhiều cách khác để xoay xở thôi. 

- Xin cảm ơn ông!

Xăng tăng đến bao nhiêu thì tôi cũng chấp nhận thôi, chứ phản đối kiểu gì được. Đó là chính sách của Nhà nước, mình phải chấp hành thôi. Có điều lúc nào cũng mong ngóng nhà nước hiểu sâu sát hơn đời sống của dân để có những điều chỉnh phù hợp. Giờ người dân phải đóng quá nhiều loại thuế, phí, rồi lại tăng giá xăng, giá điện, giá nước... thì khó khăn sẽ lại chồng chất khó khăn. Giả dụ như tới đây mà lại tăng tiếp nữa thì anh em chúng tôi thấy khó mà tiếp tục công việc lắm.

TIN BÀI LIÊN QUAN: TIN BÀI ĐỌC NHIỀU:


Tô Hội (Thực hiện)