Phát triển năng lượng xanh, xu thế tất yếu của doanh nghiệp

Google News

Chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.

Phat trien nang luong xanh, xu the tat yeu cua doanh nghiep
Điện gió đang còn nhiều tiềm năng để phát triển. Ảnh: Hoàng Anh 
Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình Phát triển Năng lượng xanh, sạch và bền vững” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm đưa ra các đề xuất, giải pháp thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam.
Theo TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam, chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt. Không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Phat trien nang luong xanh, xu the tat yeu cua doanh nghiep-Hinh-2
TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn 
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương cho biết, tại Hà Lan, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các lĩnh vực hàng đầu bao gồm các hỗ trợ đổi mới liên quan đến hiệu quả năng lượng. Ở Anh, Quỹ Tăng trưởng sạch (the Clean Growth Fund): đóng góp vào kế hoạch của Vương quốc Anh để đạt được Net Zero vào năm 2050 và thúc đẩy công nghệ xanh trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và chất thải và công nghiệp nước. Với các nước EU, Quỹ đổi mới sáng tạo của EU tập trung vào các công nghệ có tính đổi mới cao và các dự án có thể mang lại mức giảm phát thải đáng kể, các dự án được lựa chọn tài trợ dựa trên các tiêu chí như hiệu quả giảm phát thải nhà kính, mức độ đổi mới sáng tạo, mức độ trưởng thành của dự án, khả năng mở rộng và hiệu quả chi phí của dự án…
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, Nhà nước cần đẩy mạnh thúc đẩy áp dụng và phổ biến các công nghệ nhằm giải quyết các thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương cần nâng cao hiệu quả hoạt động…
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh: Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện các quy hoạch trên để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo…
Th.s Đỗ Văn Long - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho rằng, cần phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lương sạch, tiết kiệm và hiệu quả; Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng; Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả; Phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
PV