Nhìn bề ngoài loài rùa này có các tấm vảy sừng trên mai nhô cao như vảy cá sấu, mõm như hình mỏ chim, thân có nhiều gai nhọn…
Theo anh Tuấn, loài rùa này nằm trong nhóm 2 loài rùa cá sấu được du nhập về Việt Nam gần 2 năm nay. “Đây là loài rùa khá kén người chơi, phải là người có đam mê rùa mới chịu chơi, bởi rùa có hình thù khá kỳ quái” – anh Tuấn chia sẻ.
Rùa lạ có thân hình rất kỳ quái.
Cũng theo anh Tuấn, trên thế giới loài rùa này sống ở nước ngọt được mệnh danh là loài rùa lớn nhất thế giới nhưng khi được nhân giống đưa vào Việt Nam rùa chỉ có size nhỏ đến rất nhỏ, khoảng trên dưới 20cm/con với giá bán khoảng trên dưới 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con, tùy loại và kích cỡ.
Loài rùa này khá hiền lành, người nuôi có thể cầm chơi trên tay bình thường.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về loài rùa cảnh đặc biệt này, ông Nguyễn Quảng Trường – Cán bộ phòng động vật có xương sống thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Rùa trong ảnh là loài rùa cá sấu với tên khoa học là Macrochelys temminckii, có nguồn gốc từ Mỹ.
Giá trung bình của loài rùa này từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/con tùy loại và kích cỡ.
"Loài này có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) ở bậc VU (sẽ nguy cấp) và thuộc phụ lục III của CITES (Công ước CITES hay còn gọi là công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, hiện cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NNPTNT - PV)" - ông Trường khẳng định.
Cận cảnh một con rùa khủng long có giá trên dưới 5 triệu đồng đang được anh Tuấn nuôi dưỡng tại cửa hàng của mình.
Ông Trường cho biết thêm, qua quan sát bề ngoài loài rùa này thì thấy rõ các tấm vảy sừng trên mai nhô cao như vảy cá sấu, mõm như hình mỏ chim, thân có nhiều gai nhọn. Chính vì có hình thù kỳ dị nên được ưa chuộng nuôi làm cảnh.
Phía bụng dưới của rùa khủng long trông khá giống với rùa bản địa của Việt Nam.
“Nhìn chung, loài rùa này không độc, hiền lành. Tuy nhiên, đây là loài ngoại lai, cần được nuôi trong môi trường kiểm soát tốt, không được làm ảnh hưởng đến các loài bản địa của Việt Nam, tránh lây lan bệnh dịch, lai tạp nguồn gen, phát tán ra ngoài môi trường tự nhiên” – ông Trường khuyến cáo.
Rùa khủng long có thể nhốt chung với một số loài rùa khác được bình thường.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia về động vật, đây là loài rùa có xuất xứ ngoại nhập nên cần nuôi nhốt trong bể kính cẩn thận, tránh để sổng ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và các loài khác.