Sự thật nhà máy 3 triệu USD của Công ty Việt Úc

Google News

Bị lật tẩy nhà máy 3 triệu USD chỉ là một kho chứa hàng, Công ty Việt Úc lập tức công bố có nhà máy thứ 2 ở Bình Dương. 

Thông tin sai sự thật
Mấy năm trở lại đây, trên bao bì khăn ướt BabiCare ghi được sản xuất tại nhà máy ở KCN Tân Bình, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP. HCM. Địa điểm này được Công ty Cổ Phần TM&DV Việt Úc (Công ty Việt Úc) công bố là nhà máy trị giá 3 triệu USD với công nghệ hàng đầu về khăn ướt.
Trên bao bì sản phẩm khăn ướt, Công ty Việt Úc cũng đều ghi nơi sản xuất là tại KCN Tân Bình.
Sau khi bị báo chí phanh phui và chụp được những hình ảnh cho thấy nhà máy sản xuất khăn ướt trị giá 3 triệu USD mà Công ty Việt Úc công bố năm 2013 thực chất chỉ là một kho chứa hàng, lãnh đạo Công ty Việt Úc buộc phải thừa nhận đây chỉ là là kho và là nơi sản xuất khăn ướt vừa và nhỏ, diện tích với 2.000 m2.
Su that nha may 3 trieu USD cua Cong ty Viet Uc
 Công ty Việt Úc tự nhận nhà máy của Kleen-Pak 100% vốn nước ngoài là nhà máy thứ 2 của mình.
Tuy nhiên, Công ty Việt Úc lại tiếp tục lên báo công bố, mình còn… một nhà máy thứ 2 tại Bình Dương và đây mới là nhà máy sản xuất khăn ướt.
Để tạo tin tưởng, Công ty Việt Úc đã sử dụng hình ảnh đại diện của Sài Gòn Co.op mart xuống thăm để làm bình phong. Lãnh đạo Việt Úc còn “rêu rao” đang sắp xếp để mời cơ quan báo chí, truyền hình đến thăm nơi sản xuất khăn ướt của công ty này. Thực chất, hình ảnh chụp đoàn tham quan của Sài Gòn Co.op là ở Công ty Kleen-Pak. Địa chỉ “nhà máy thứ 2” mà Công ty Việt Úc công bố chính là công ty này.
Qua cung cấp của cơ quan chức năng, Công ty Kleen-Pak có vốn điều lệ khoảng 720.000 USD. Tổng vốn đầu tư vào dự án nhà xưởng số 7, lô CN6, đường H1, KCN Kim Huy (Bình Dương) là 1,2 triệu USD.
Qua tìm hiểu của PV, toàn bộ đất và nhà xưởng mà Công ty Kleen-Pak đang sử dụng được hoàn thành xây dựng vào khoảng tháng 5/2014. Công ty Kleen Pak thuê lại địa điểm của Công ty TNHH Thiên Phú 2, cùng đóng tại KCN Kim Huy. Thông tin này được ông Trần Văn Lập – Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú 2 xác nhận.
Trước thông tin Công ty Việt Úc có góp vốn cho Công ty Kleen Pak xây dựng nhà máy 3 triệu USD, một đại diện của Ban Quản lý các KCN Bình Dương rất bất ngờ về thông tin này và cho biết, Công ty Kleen Pak có vốn 100% đầu tư nước ngoài. Công ty này do ông Tan Hock Kiam quốc tịch Singapore làm giám đốc.
Vị đại diện của Ban Quản lý các KCN Bình Dương còn cho biết, Công ty Kleen Pak là Công ty TNHH chỉ có một thành viên và giấy chứng nhận đầu tư là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Nếu doanh nghiệp nào góp vốn vào công ty này phải khai báo lại đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư với các tỷ lệ và tên tổ chức góp vốn. Kể từ khi Công ty Kleen Pak được cấp giấy chứng nhận đầu tư tới nay, chưa có việc khai báo và thay đổi về phần tiền đầu tư của doanh nghiệp này. Điều này còn được thể hiện qua tờ khai thuế mà Công ty Kleen-Pak đã khai với Tổng cục thuế.
Như vậy, “nhà máy thứ 2” mà Công ty Việt Úc công bố hoàn toàn là sai sự thật, cố tình lừa dối người tiêu dùng tới cùng.
Su that nha may 3 trieu USD cua Cong ty Viet Uc-Hinh-2
Các siêu thị lớn đồng loạt xoá sổ các nhãn hàng khăn ướt của Công ty Việt Úc khỏi quầy hàng. 
Tiếp tục lừa dối người tiêu dùng
Đáng chú ý, theo phản ánh của người tiêu dùng, họ mua phải nhiều sản phẩm khăn ướt của Công ty Việt Úc do các siêu thị bán ra có mã số mã vạch của nước ngoài và có dòng chữ “Made in PRC” “Made in Singapore” tức là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hoặc Singapore ở trên bao bì sản phẩm với ngày sản xuất rất gần đây.
Vì sao từ năm 2013 Công ty Việt Úc công bố là khai trương nhà máy 3 triệu USD ở Tân Bình, TP HCM rồi gần đây là liên doanh với Kleen Pak sản xuất Bình Dương mà trên sản phẩm lại đề xuất xứ từ Trung Quốc?
Trong lịch sử hơn 12 năm kinh doanh mặt hàng khăn ướt thì có hơn gần 10 năm Công ty Việt Úc kinh doanh dưới danh nghĩa khăn ướt nhập khẩu. Dù trên bao bì khăn ướt có dòng chữ “Made in PRC” tức là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, song công ty Việt Úc lại in mã vạch của Úc hoặc nhãn phụ Singapore để đánh lừa người tiêu dùng.
Ngoài ra, trong suốt thời gian kinh doanh, Công ty Việt Úc cũng đánh tráo nhãn hiệu BabiCare thành BabyCare để gây hiểu lầm cho khách hàng, qua mặt cơ quan quản lý Nhà nước về nhãn hiệu.
Chính vì thế, ngay cuối tháng 7/2015 để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, siêu thị Sài Gòn Co.op mart đã rút toàn bộ sản phẩm khăn ướt của Công ty Việt Úc khỏi kệ gồm: BabiCare (thường được quảng cáo và người tiêu dùng hiểu là BabyCare), TeenCare, WonderCare, WeCare.
Tiếp nối Sài Gòn Co.op, đồng loạt siêu thị Lotte, Metro, Maxi mart, Satrafood cũng rút toàn bộ nhãn hàng của Công ty Việt Úc khỏi kệ chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng.
Để làm rõ những vấn đề trên, phóng viên trực tiếp làm việc tại trụ sở của Công ty Kleen-Pak thì đều bị công ty lấy cớ thoái thác nói rằng lãnh đạo đi nước ngoài. Còn ông Lê Quang Được – Giám đốc Công ty Việt Úc thì nhiều ngày nay đã tắt điện thoại, không liên lạc được. Các câu hỏi của báo chí gửi đến Công ty Việt Úc cũng đều rơi vào im lặng, không có hồi âm.
Theo Báo Giao thông