Sự thật quảng cáo “bột kim cương” làm đẹp vĩnh cửu

Google News

(Kiến Thức) - Thị trường làm đẹp của chị em rộ lên mốt đắp mặt nạ, kem dưỡng da có thành phần "bột kim cương" với giá cả chỉ vài chục nghìn đồng/lần.

Chiêu độc giữ vẻ đẹp vĩnh cửu
Mốt chăm sóc da mặt bằng "bột kim cương" được quảng cáo từ spa nhỏ lẻ tới các hãng mỹ phẩm lớn trên thị trường, giá cả "thượng vàng hạ cám" đều có. Spa có tên Lăn Kim Nhật Bản ở phường 15, quận 11, TP HCM giới thiệu chương trình chăm sóc da mặt với "bột kim cương" (xuất xứ Đài Loan) và chạy vitamin C giá chỉ 79.000 đồng/gói chăm sóc. 
Còn hãng mỹ phẩm Oriflame khá nổi tiếng chào hàng với đủ loại kem dưỡng da ban ngày, ban đêm, dung dịch rửa mặt, phục hồi da thì giới thiệu với khách hàng: "Tinh chất dưỡng da có tích hợp bột kim cương cho làn da mềm mại và rạng ngời. Sản phẩm giàu bột kim cương tự nhiên và phức hợp gìn giữ vẻ đẹp vĩnh cửu, các phân tử kim cương giúp làn da tỏa sáng, láng mịn và mềm mại tươi trẻ hơn...". 
Liên lạc tới Văn phòng đại diện của hãng mỹ phẩm Oriflame tại quận Phú Nhuận, TP HCM, phóng viên được bà Thái Thùy Ngân, phụ trách đào tạo tư vấn cho biết: "Sản phẩm của Oriflame có thành phần bột kim cương thiên nhiên, các chuyên gia của hãng nghiên cứu, qua nhiều lần thanh lọc, chế biến nhiều công đoạn, chọn ra thành phần tốt nhất trong bột kim cương tự nhiên. Tác dụng làm sáng da, chuyên dành cho làn da bị sạm nám, sắc tố da không đồng đều, bổ sung collagen. Ngoài da, còn giúp săn chắc, cải thiện độ đàn hồi và ngăn nếp nhăn trên da". 
Mỹ phẩm là dung dịch rửa mặt được giới thiệu chứa tinh thể kim cương bán trên thị trường. 
Khoa học chưa kiểm chứng!
TS Phan Bách Thắng, Phó trưởng Khoa Khoa học Vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, thành phần chủ yếu của kim cương là carbon. Trong tự nhiên, nguồn carbon để hình thành kim cương chủ yếu nằm trong thực vật và carbonate. Khi bị vùi lấp, trong quá trình địa chất thì chúng biến thành than bùn, than đá, than chì... Khi môi trường hội đủ điều kiện về nhiệt độ và áp suất, các nguyên tử carbon được nén khít với nhau tạo thành kim cương trong hệ tinh thể lập phương. Do có độ cứng cao, kim cương thường được sử dụng trong các dụng cụ cắt gọt. Ngoài ra, kim cương còn được dùng làm đồ trang sức khi được mài gọt tạo những mặt lung linh do phản xạ ánh sang...
Cũng theo tìm hiểu, một số hãng mỹ phẩm trên thế giới giới thiệu có pha trộn tinh thể kim cương ở dạng hạt vô cùng bé (kích thước nano) trong mỹ phẩm, có thể nhằm mục đích tăng độ sáng, bóng của phấn. Song tác dụng chưa được kiểm chứng về mặt lợi, hại thế nào cho da và sức khoẻ người dùng. Do đó, tốt nhất chị em không nên sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng xác thực.
Miếng dán ghi thành phần và hướng dẫn sử dụng trên vỏ hộp mỹ phẩm. 
Theo BS Trần Thanh Hoài, Khoa Da liễu, Bệnh viện Chỉnh hình & Phục hồi chức năng TPHCM, đến thời điểm này chưa có một nghiên cứu nào cho thấy kim cương có tác dụng trẻ hóa làn da, chống lão hóa da. Mỗi độ tuổi làn da có sự thay đổi khác nhau, nên cần liệu pháp, dưỡng chất, cũng như cách chăm sóc da với loại mỹ phẩm phù hợp. Nếu có bệnh về da là do nhiều nguyên nhân, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị. 
Gần đây, nhiều chị em mua dùng nhiều loại sản phẩm chăm sóc da, hàng xách tay không đúng nguồn gốc, nhãn mác, công dụng bị thổi phồng khiến không ít người bị di chứng nặng nề, mất sức đề kháng của da, khiến việc điều trị khó khăn.  
Kim cương là khoáng vật có giá trị cao nhất trong hơn 3.000 mẫu khoáng vật mà con người biết đến. Nó có độ cứng rất cao và khả năng khúc xạ cực tốt nên ứng dụng nhiều trong ngành công nghiệp và ngành kim hoàn. Một carat kim cương trị giá hàng nghìn USD. Một lọ mỹ phẩm chỉ vài trăm ngàn đồng thì khó mà có thành phần kim cương trong đó, dù hàm lượng chỉ tính bằng đơn vị nano.
Ông Mai Kim Vinh (Liên đoàn Bản đồ Địa chất TPHCM)
Hương Nguyên