Theo ghi nhận, trong quý 1 năm nay, giá mít Thái tăng đột biến, đỉnh điểm 70.000 - 80.000 đồng/kg. Đến đầu quý 2, giá mít lại lao dốc không phanh, chỉ ở mức 15.000 đồng/kg đối với loại I, 12.000 đồng/kg đối với loại II, 8.000 đồng/kg đối với loại III, bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng...
|
Trung Quốc ngừng thu mua khiến giá mít Thái rớt thảm hại. |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), hiện toàn huyện có khoảng 250ha mít Thái. Trong đó, khoảng 100ha đang cho trái, tập trung nhiều ở các xã Thạnh Hòa, Tân Long, Long Thạnh…
Một tiểu thương nhiều năm buôn bán trái cây ở chợ Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - cho hay giá mít xuống thấp do thương lái Trung Quốc ngừng mua loại trái cây này.
Trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây trong khu vực đã có kế hoạch sản xuất hoặc có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không "tham gia" mua mít với giá… trên trời.
Điều này đẩy giá mít quay về "vạch xuất phát" - khoảng 15.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân trồng mít không biết phải làm sao để tiêu thụ khi đang đúng vụ thu hoạch.
Sở dĩ có tình trạng này là do người dân chạy đua theo phong trào giá cao thì đua nhau trồng dẫn đến cung vượt quá cầu, Trung Quốc ngừng thu mua khiến dân không biết bán cho ai. Hầu hết trồng mít Thái dựa vào yếu tố may rủi của thị trường, mà hệ lụy của vấn đề này đã thấy rất rõ, nông sản thừa, ế không có đầu ra.
Do vậy, với cây mít Thái, để phát triển bền vững thì trước tiên, cần sự thay đổi về tư duy kinh doanh của chính các hộ nông dân. Người nông dân cần tỉnh táo chọn cho mình cách làm căn cơ, bền vững hơn. Thay vì phát triển manh mún, tự phát thì nông dân phải kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra và sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Theo Lily/Giadinh.net