Lãi 300 triệu/năm nhờ bán tàu thủy
Trước đây, cứ vào dịp tết Trung Thu, cả làng Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) lại rộn rã tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cắt sắt... như ngày hội. Mỗi nhà một món đồ chơi đặc trưng, nhà làm tàu thủy, nhà làm thỏ đánh trống, nhà làm súng lục đồ chơi kêu tạch tạch, kèn, ô tô... Nhiều nhà trong làng đã giàu lên nhờ nghề này. Thế nhưng hiện nay, chỉ còn duy nhất nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng còn theo đuổi nghề.
|
Anh Hùng say mê với những chiếc tàu thủy sắt tây. |
Gặp anh Hùng trong căn nhà xây 5 tầng khang trang trong con ngõ nhỏ trên phố Khương Hạ, anh chia sẻ: Trước những năm đầu thập niên 1990, tàu thủy sắt là món đồ chơi "
công nghệ" gắn liền với ký ức nhiều thế hệ. Trông đơn giản, nhưng tàu thủy sắt có thể di chuyển trên mặt nước và và phát ra tiếng kêu như động cơ tàu thủy thật. Với trẻ em, đây là món đồ chơi lý thú và bổ ích vì có thể vừa chơi vừa học.
|
Tàu thủy sắt tây đặc trưng với tiếng kêu như một động cơ tàu thủy thật. |
Với gần 40 năm gắn bó với nghề làm tàu thủy sắt tây, anh Hùng khẳng định rằng: Nếu đã học được nghề này rồi thì không sợ chết đói vì hiện giờ anh làm quanh năm mà không hết việc.
Tàu thủy sắt tây được làm bằng những nguyên vật liệu đơn giản. Chỉ với những vỏ lon sữa bò và những dụng cụ sẵn có anh Hùng đã làm ra hàng nghìn chiếc tàu thủy mỗi năm. Hiện tại, giá bán mỗi chiếc tàu thủy ra thị trường là 300.000 đồng/chiếc (loại nhỏ). Loại này có chiều dài khoảng 10 cm. Với những chiếc tàu dài 1 mét trở lên khách phải đặt riêng, mỗi chiếc như vậy được bán với giá từ 2 đến 3 triệu đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng gia đình anh Hùng đã thu về trên dưới 30 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này mà gia đình anh có của ăn của để. Tuy nhiên, anh Hùng vẫn mong muốn có thêm nhiều người yêu thích nghề này để anh truyền lại nghề giúp có công ăn việc làm ổn định.
Bất ngờ hút khách trở lại
Khi ngày càng có nhiều loại đồ chơi hiện đại, phong phú, hấp dẫn xuất hiện trên thị trường thì tàu thủy sắt dần vắng bóng. Những năm gần đây, thỉnh thoảng mới có thể bắt gặp tàu thủy sắt xuất hiện trên phố Hãng Mã, Hàng Thiếc hay Lương Văn Can.
Ấy vậy mà, dịp Tết trung thu năm nay, món đồ chơi này bỗng nhiên được ưa chuộng trở lại. Anh Hùng cho biết, các đơn hàng ùn ùn từ tháng 6 ( âm lịch) đến giờ. Để có hàng giao cho khách, những ngày này anh phải làm việc suốt ngày đêm mà không kịp. Làm tàu thủy không khó nhưng đây là món đồ chơi thủ công nên cần phải có sự tỉ mẩn. Mỗi ngày anh Hùng chỉ có thể làm ra từ 1-2 sản phẩm vì vợ anh bận bịu việc nhà chỉ giúp làm một số công đoạn nhỏ.
|
Khách du lịch nước ngoài thích thú với món đồ chơi thủ công dân dã. |
Anh Cung, một khách hàng cảm thấy thích thú khi mua được một chiếc tàu thủy trên phố Hàng Thiếc, anh cho biết: Hiện có nhiều thông tin đồ chơi Trung Quốc có hóa chất độc hại nên tôi không dám mua cho con. Với đồ chơi thủ công của Việt Nam dù đắt hơn 1 chút nhưng an toàn.
Không chỉ trẻ em Việt Nam yêu thích món đồ chơi này mà nhiều khách hàng là khách du lịch nước ngoài cũng rất hâm mộ. Anh Hùng kể, có năm một thương gia người Pháp lặn lội đến tận nhà anh, đặt hàng 100 chiếc tàu thủy mang về Pháp. Và hầu hết các sản phẩm được sản xuất ra được bán tại các khu du lịch trong cả nước, nhiều nhất là thị trường miền Nam.
Nguyễn Nguyên