Tên lửa Nga có thể đổi mục tiêu sau khi phóng

Google News

(Kiến Thức) - Với hệ thống chỉ huy kỹ thuật số mới, tên lửa đạn đạo của Nga có thể nhắm vào mục tiêu khác sau khi phóng.

Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu mua các bộ phận hệ thống chỉ huy tự động hoá kỹ thuật số (ASU) hiện đại nhất cho Lực lượng Tên lửa chiến lược (RVSN).

Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga, dự án với mật danh Vozzvaniye được xây dựng để vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa NMD của Mỹ và có đặc điểm mới so với hệ thống hiện có là có thể đưa tên lửa nhằm vào mục tiêu khác sau khi nó đã được phóng đi.

“Hiện mục tiêu được đưa vào tên lửa khi nó còn trên mặt đất và sau khi tên lửa được phóng đi thì không thể thay đổi nhiệm vụ của nó bằng bất cứ biện pháp thông thường nào được nữa”, nguồn tin nói.

Tham gia vào chế tạo hệ thống mới gồm Viện nghiên cứu khoa học NII tự động hoá và Liên hiệp khoa học sản xuất NPO Impuls.  
Các loại tên lửa đạn đạo Topol-M, Yars sẽ trang bị hệ thống điều khiển bằng kỹ thuật số hiện đại hơn.

Nguồn tin ở Tổ hợp công nghiệp quốc phòng giải thích, chỉ có thể đưa các tên lửa hiện đại điều khiển bằng kỹ thuật số Topol-M và Yars vào hệ thống mới. Trong khi đó các tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ cũ R-36M2 Voevoda (30 năm tuổi) thì vẫn phải ngắm vào mục tiêu theo cách cũ.

“Tên lửa R-36M2 sử dụng linh kiện cũ có từ thời Xô Viết nên không thể nâng cấp được nữa. Muốn đưa loại tên lửa này vào hệ thống Vozzvaniye, phải thay toàn bộ thiết bị điện tử của tên lửa, muốn vậy phải đưa tên lửa ra khỏi trực chiến và hiện đại hoá nó. Sẽ không ai làm như vậy vì tên lửa đã có tuổi cao”, vị này cho biết.

Cũng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống mới sẽ chuyển cho tên lửa các mệnh lệnh, mục tiêu, ra lệnh phóng tên lửa và theo dõi chuyến bay của tên lửa đến các mục tiêu  trong thời gian thực.

“Hiện người Mỹ đang nghiên cứu chế tạo hệ điều hành hệ thống phòng thủ chống tên lửa NMD tích hợp thống nhất, hệ thống này bám theo các tên lửa đạn đạo, tính toán quỹ đạo trong thời gian thực và tiêu diệt chúng. Tốc độ phản xạ của hệ thống này chỉ vài giây. Muốn vượt qua hệ thống phòng thủ này, phải thường xuyên hiệu chỉnh kế hoạch đánh đòn hạt nhân và chuyển mục tiêu cho tên lửa”, sĩ quan RVSN cho hay.

Theo ông này, nhờ có hệ thống mới mà Bộ chỉ huy RVSN Nga có thể nhanh chóng chuyển mục tiêu mới cho tên lửa và đưa chúng tránh các tên lửa chống tên lửa bằng cách bỏ qua các vùng có mật độ tên lửa chống tên lửa dày đặc.
Với hệ thống điều khiển hiện đại, tên lửa đạn đạo có thể thay đổi mục tiêu đánh đòn hạt nhân sau khi phóng.

Cũng xuất phát từ lực lượng phòng chống của hệ thống phòng thủ chống tên lửa NMD, Bộ tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược RVSN có thể thay đổi thứ tự tiêu diệt các mục tiêu và số đầu đạn cần cho việc này. Vozzvaniye xử lý các quyết định này và đưa chúng đến vị trí xuất phát của tên lửa trong vòng mấy phút.

“Trong hệ thống chỉ huy tự động hoá ASU thế hệ trước có cài đặt mấy kế hoạch đã định sẵn. Trong trường hợp chiến tranh một trong số đó sẽ được đưa vào hoạt động. Khi đó không thể đưa thay đổi vào kế hoạch này nữa. Vì vậy hệ thống phòng thủ chống tên lửa NMD của Mỹ có ưu thế lớn. Sau khi đánh giá tình hình, người Mỹ có thể quyết định đánh chặn các tên lửa của chúng ta ở đâu và như thế nào, trong khi Bộ đội Tên lửa chiến lược RVSN Nga đã không thể làm gì thêm được nữa”.

Biên tập viên trang mạng Military Russia Dmitry Kornev cho biết, quân đội đang tiến hành việc chế tạo tên lửa liên lục địa hạng nặng mới thay cho R-36M2. Và loại tên lửa mới này sẽ tích hợp với Vozzvaniye.

“Hiện lực lượng cơ bản của RVSN Nga là các tên lửa Topol-M và Yars cơ động và đặt trong hầm phóng, và tạm thời chỉ có các tên lửa này có thể hoạt động trong hệ thống chỉ huy mới. Nhưng mấy năm nữa, sau khi các tên lửa liên lục địa hạng nặng mới được đưa vào trực chiến và đưa R-36M2 ra khỏi trực chiến, toàn bộ 100% tên lửa của RVSN Nga sẽ có các khả năng thông tin hiện đại”, ông Dmitry Kornev nói.



Nguyễn Vũ