Tờ Indian Express đưa tin, trong tương lai gần, Hải quân Ấn Độ sẽ nâng cấp hệ thống định vị thủy âm và ngư lôi cho tàu ngầm có trong biên chế.
Nguồn tin cho biết, Công ty Atlas của Đức có thể trở thành nhà cung cấp hệ thống định vị thủy âm mảng pha chủ động (ATAS) cho Hải quân Ấn Độ. Hệ thống này thường được lắp đặt trên những tàu chiến mặt nước như tàu khu trục lớp Delhi, tàu khu trục lớp Talwar…
Ngoài ra, Atlas có thể sẽ chuyển giao kỹ thuật hệ thống ATAS cho Công ty Bharat Electronics Limited (BEL) của Ấn Độ, nhằm giúp nước này đảm nhận việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống định vị thủy âm trang bị trên 10 tàu chiến đấu mặt nước thuộc 3 lớp của Hải quân Ấn Độ.
|
Tàu ngầm phi hạt nhân Type 209 được Ấn Độ mua của Đức.
|
Về ngư lôi, chương trình nâng cấp nhằm kéo dài tuổi thọ cho 64 quả ngư lôi SUT lên 15 năm và nâng cao một số tính năng. Nhiều khả năng, số ngư lôi này được trang bị trên các tàu ngầm Type 209 mà hãng HDW Đức đóng cho Ấn Độ.
Còn theo tờ Defence News, Lục quân Ấn Độ đang có kế hoạch mua sắm tên lửa chống tăng có điều khiển Spike của Israel.
Việc mua sắm lần này đã được đưa ra tại hội nghị của Uỷ ban mua sắm quốc phòng Ấn Độ (DAC) khai mạc ngày 11/11. Theo nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ, DAC sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối tháng này về vấn đề này.
Theo một số nguồn tin, Lục quân Ấn Độ muốn mua các hệ thống tên lửa chống tăng Spike thế hệ 3 (chi tiết bao gồm 321 bộ thiết bị phóng tên lửa, 8.356 quả tên lửa và 15 bộ thiết bị huấn luyện mô phỏng cùng với các linh kiện và chuyển giao công nghệ liên quan).
“Sự quan tâm đối với tên lửa chống tăng Spike có thể sẽ ảnh hưởng đến đề xuất của Mỹ về việc cùng với Ấn Độ sản xuất tên lửa chống tăng Javelin”, Defence News nhận định.
|
Ấn Độ thích tên lửa Spike hơn tên lửa Nga.
|
Tuy nhiên, vì Lục quân Ấn Độ cần đến 20.000 quả tên lửa chống tăng hiện đại, nên có thể là nước này mua tên lửa chống tăng Spike sẽ sử dụng trên xe, còn tên lửa Javelin sử dụng mang vác thuận lợi.
Hiện nay, vũ khí chống tăng tầm xa có điều khiển trong biên chế Quân đội Ấn Độ chủ yếu là tên lửa Konkurs-M (Nga) và Milan (Pháp) với tầm bắn chưa tới 2.000m, phương thức dẫn đường không hiện đại.
Những năm gần đây, Ấn Độ dần chuyển hướng sang sử dụng vũ khí của nhiều quốc gia trên thế giới (nhất là Mỹ, phương Tây), thay vì chỉ nhập khẩu chủ yếu từ Nga như trước đây. Các chuyên gia nhận định, động thái này là nhằm “phản ứng” lại với việc Nga cung cấp hệ thống vũ khí tối tân cho Trung Quốc.
Hoàng Anh - Bằng Hữu