Tạp chí quân sự Jane’s dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Australia - Kevin Andrews cho biết, nước này vừa quyết định tặng cho Hải quân Philippines 2 tàu đổ bộ hạng nặng (LCH) lớp Balikpapan, sau khi 3 chiếc cuối cùng thuộc lớp này của Hải quân Australia chính thức bị loại khỏi biên chế vào tháng 11 năm ngoái.
Ba tàu đổ bộ này gồm tàu HMAS Brunei, HMAS Labuan và HMAS Tarakan được Hải quân Australia đưa vào sử dụng từ năm 1973. Trong đó tàu HMAS Labuan đã được Australia chuyển giao cho Quân đội Papua New Guinea. Còn hai tàu HMAS Brunei và HMAS Tarakan sẽ được bàn giao cho Philippine vào tháng 5 năm nay, sau khi cả hai con tàu này được tân trang thiết bị hàng hải và hệ thống lái mới.
|
Một tàu đổ bộ hạng nặng LCH lớp Balikpapan khi còn trong biên chế Hải quân Australia.
|
Trước đó vào cuối năm 2012, Hải quân Australia cũng đã loại biên một số tàu LCH khác thuộc lớp Balikpapan là tàu HMAS Wewak, HMAS Balikpapan và HMAS Betano.
Theo Bộ trưởng Andrews cho biết, các tàu LCH sẽ giúp Hải quân Philippines cải thiện khả năng đối phó với các thảm họa thiên nhiên cũng như tiến hành viện trợ nhân đạo cho các khu vực bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, giới chức Manila cũng đang cân nhắc việc mua lại các tàu đổ bộ LCH còn lại của Australia gồm: HMAS Wewak, HMAS Balikpapan và HMAS Betano.
Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) trong một báo cáo gần đây cũng cho biết, Mỹ có thể sẽ bán cho Australia 6 xe bọc thép chở quân và sửa chữa M88A2 Hercules do hãng BAE Systems chế tạo cùng các thiết bị hỗ trợ khác.
Theo DSCA, thỏa thuận này có giá trị ước tính khoảng 47 triệu USD và Canberra chắc chắn sẽ mua 6 chiếc M88A2 trong thời gian sắp tới cũng với các thiết bị hỗ trợ công binh trên chiến trường khác, đi kèm với đó là hệ thống định vị toàn cầu quân sự AN/PSN-13
|
Bộ quốc phòng Australia cũng sẽ chi thêm 47 triệu USD để mua 6 xe bọc thép vận chuyển và sửa chữa M88A2 Hercules.
|
Quân đội Australia hiện có khoảng 7 chiếc M88A2 Hercules trong biên chế và được mua vào năm 2006 trong một hợp đồng trị giá khoảng 419 triệu USD bao gồm cả 59 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.
Hải quân Philippines dùng tàu đổ bộ làm gì?
Trong khi Australia nhấn mạnh vai trò hỗ trợ nhân đạo của các tàu đổ bộ LCH thì nhiều khả năng Manila sẽ sử dụng các tàu này cho mục đích quân sự. Khi mà lực lượng Hải quân Philippines phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo vệ các vùng biển và hơn 7.100 hòn đảo lớn nhỏ của nước này, bên cạnh đó Philippines còn là nước có đường bờ biển dài thứ ba thế giới chỉ xếp sau Canada và Indonesia.
Theo tạp chí quốc phòng Jane’s, ngân sách quốc phòng luôn là một trong những vấn đề lớn đối với Manila, điều này khiến hạm đội tàu chiến của Hải quân Philippines đều đa số là các tàu chiến cũ và đã lỗi thời. Mặc dù trong thời gian gần đây Philippines đã cố gắng nâng cấp lực lượng hải quân của nước này, khi mua lại một tàu tuần duyên của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ vào năm 2011 nhưng chừng đó là chưa đủ.
|
Tàu tuần duyên chống ngầm lớp Pohang do Hàn Quốc chế tạo.
|
Bên cạnh đó, các quốc gia khác cũng tiến hành viện trợ vũ khí cho Philippines điển hình như Hàn Quốc với một tàu tuần duyên lớp Pohang và hai tàu đổ bộ hạng nhẹ LCU, còn Nhật Bản lại cam kết sẽ cung cấp cho Manila các tàu tuần tra ven biển.
Trước khi được Australia viện trợ các tàu LCH, Hải quân Philippines cũng đã tìm cách hiện đại hóa đội tàu của mình với 2 tàu khu trục và hai tàu đổ bộ chiến lược SSV. Các tàu khu trục mới của Philippines có lượng giãn nước khoảng 2.000 tấn và dài hơn 100m, với chương trình đấu thầu có sự tham gia của các công ty hàng hải đình đám như Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) và Hyundai Heavy Industries (HHI) của Hàn Quốc, GRSE của Ấn Độ và của Tây Ban Nha.
Còn 2 tàu đổ bộ SSV được công ty đóng tàu quốc doanh PT PAL của Indonesia đóng mới, dựa trên nền tảng tàu đổ bộ lớp Makassar của Hải quân Indonesia.
Trà Khánh