Sau khi tên lửa hành trình siêu âm CX-1 được trưng bày tại triển lãm Chu Hải, đã có những nhận định cho rằng đây thực chất là thiết kế sao chép tên lửa BrahMos của Nga - Ấn, mới đây thì mạng quân sự Sina đã có những so sánh nhằm minh chứng rằng "CX-1 không sao chép BrahMos".
Chaoxun-1 (gọi tắt là CX-1) được thiết kế bởi Tổng Công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Không gian Trung Quốc (CASTC) đã được đặt biệt danh là Cahoxi 1 (trong tiếng anh chính là từ Copy 1 - sao chép 1) bởi hình dáng tương tự tên lửa hành trình BrahMos nổi tiếng của Nga - Ấn. Mặc dù vậy, Wang Hongpo - nhà thiết kế tên lửa khẳng định rằng CX-1 hoàn toàn là thiết kế mới. Theo ông Wang, có nhiều điểm khác biệt ở cánh, khí động học.
Do sự hạn chế của hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa MTCR, tầm bắn của các loại tên lửa hành trình như CX-1 và BrahMos không thể vượt quá 300km. Wang cho biết, đây là lý do chính khiến CX-1 chia sẻ nhiều điểm tương tự với BrahMos. Tuy nhiên, "CX-1 bay nhanh hơn so với tên lửa của Ấn Độ. Nó có thể đạt tốc độ Mach 3 ở trần bay 17.000m, trong khi BrahMos chỉ có thể đạt Mach 2,6 ở trần bay 14.000m", mạng Sina lưu ý.
|
Mô hình tên lửa CX-1 tại triển lãm Chu Hải.
|
Trong tác chiến chống mục tiêu tầm thấp, tốc độ của CX-1 có thể đạt Mach 2,3, trong khi mẫu tên lửa P-800 Oniks (Nga) được dùng làm nền tảng công nghệ phát triển BrahMos chỉ có thể đạt Mach 2. Mạng Sina còn cho rằng, động cơ phản lực tĩnh siêu âm của CX-1 có thể tốt hơn so với động cơ đẩy nhiên liệu rắn của P-800.
Tuy nhiên, Sina cũng thừa nhận rằng tầm tấn công của CX-1 có thể giảm xuống tới 40km ở quỹ đạo thấp, trong khi tên lửa Nga có thể đạt 120km.
Mạng Sina cũng cho rằng, tên lửa BrahMos của Ấn Độ không phù hợp cho các tình huống chiến đấu thực tế. Mặc dù Ấn Độ có kế hoạch sản xuất 2.000 quả BrahMos nhưng chỉ có 200 quả được chế tạo.
Mặc dù đưa ra vài “bằng chứng” khẳng định CX-1 không sao chép BrahMos nhưng việc cả 2 quả tên lửa có hình dáng quá giống nhau vẫn khiến CX-1 khó tránh mác copy. Bên cạnh đó, các tính năng của CX-1 vẫn mới chỉ là trên giấy, chưa bất kì bằng chứng thực tế nào chứng minh được CX-1 có các tính năng chăng. Nên nhớ, lâu nay vũ khí Trung Quốc vốn được quảng cáo rất mạnh về tính năng nhưng khả năng chiến đấu thực tế lại thấp hơn rất nhiều.
Không ít vũ khí Trung Quốc đã bị các quốc gia mua sắm kêu ca, trả lại vì lý do chất lượng không đúng với quảng cáo. Gần đây nhất, Bộ quốc phòng Ecuador hủy bỏ bản hợp đồng trị giá 60 triệu USD mua 2 hệ thống radar YLC-2V và YLC-18 do Trung Quốc sản xuất, được quảng cáo là “thuộc loại radar hàng đầu thế giới”. Lý do được đưa ra là, các hệ thống radar “không thể hoạt động bình thường”.
Hoàng Lê