Ngày 22/11, ông Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đã đưa tàu ngầm mini Hoàng Sa ra khỏi bể bơi sâu 4m sau gần 2 tháng tiến hành thử nghiệm.
Trao đổi với Đất Việt, ông Hòa cho biết, những tính năng cơ bản như: hệ thống dẫn đường; liên lạc thủy âm khi lặn sâu, hệ thống liên lạc tầm xa VHF khi nổi; hệ thống camera quan sát dưới nước; hệ thống dò quét đáy biển, vật cản phía trước... đã thử nghiệm xong và đang hoạt động tốt.
|
Tàu ngầm mini Hoàng Sa được thử nghiệm tại bể nước có độ sâu 4m. |
Sau những thành công bước đầu, ông Hòa đang tính toán để tiếp tục chạy thử con tàu ở mộ trường khác trong thời gian tới .
"Tàu ngầm đã lặn nổi khá nhịp nhàng trong bể mà không gặp bất kỳ sự cố nào. Tôi đang lên kế hoạch chạy thử tàu ngầm mini Hoàng Sa ở hồ hoặc trên một khúc sông để tiếp tục hoàn thiện các tính năng trước khi đem ra biển thử nghiệm. Tuy nhiên địa điểm và thời gian hiện giờ vẫn chưa xác định vì còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết”., Ông Hòa cho biết thêm.
Riêng về tính năng vượt bùn, bãi cạn, hoạt động nhiều ngày dưới biển, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, như các con tàu nổi bình thường khi di chuyển dưới nước... chủ nhân con tàu cho hay, khi nào đưa ra hồ, hoặc biển, ông sẽ tiếp tục thử nghiệm những tính năng này.
Theo doanh nhân Thái Bình, điểm khác biệt cơ bản giữa môi trường biển và bể bơi là sức gió và tốc độ sóng. Vì thế để đưa tàu ngầm mini Hoàng Sa ra biển thì cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
“Trong bể bơi thì nó chỉ là phần tĩnh lặng, còn ở biển thì sức gió và sóng là những điều gây cản trở lớn nhất. Vì vậy, khi thiết kế tôi đã cố gắng nghiên cứu điều chỉnh các chi tiết kỹ thuật để động cơ chịu được sức cản từ ngoại lực bên ngoài”, ông Hòa chia sẻ.
|
Cận cảnh buồng lái của tàu ngầm mini Hoàng Sa. |
Trước đó, tàu ngầm Trường Sa 1 được đưa ra thử nghiệm ở hồ nước rộng 3ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Trà, Thái Bình. Sau đó ông Hòa đã đưa ra biển thử nghiệm nhưng tàu ngầm gặp sự cố ở chân vịt nên không thể lặn.
Nhắc lại chuyện này, chủ nhân tàu ngầm Hoàng Sa khẳng định đây chỉ là thất bại do không tính toán cẩn thận.
“Tôi đã rút kinh nghiệm từ lần thử nghiệm trước, sắp tới khi đưa tàu ngầm ra biển sẽ không để xảy ra những va chạm ở vị trí chân vịt nữa.
Có thể sẽ mang tàu ra các điểm vắng khởi động để tránh những tác động xung quanh. Tôi chỉ nghiên cứu, chế tạo tàu ngầm vì niềm đam mê và muốn chế tạo để cống hiến cho Tổ quốc nên không hề cảm thấy lo lắng hay áp lực gì sau lần thất bại trước.
Trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm các tính năng, khả năng của con tàu, tôi sẽ xin phép cơ quan chức năng, đưa tàu Hoàng Sa thử nghiệm ở biển”, ông Hòa cho hay.
Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5m; cao 2m và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Vỏ tàu được thiết kế bằng thép cường lực. Tàu có hình thoi dẹt.
Ngày 24/9, ông Hòa đưa tàu ngầm Hoàng Sa ra bể nước (có độ sâu 4m) thử nghiệm một số tính năng cơ bản của tàu. Đến ngày 22/11, ông Hòa đã đưa tàu ra khỏi bể, hoàn tất quá trình thử nghiệm.
Tàu ngầm Hoàng Sa có thể chạy được 7 hải lý/h, tốc độ tối đa có thể đạt được 15 hải lý/h. Tàu mang theo 2 hành khách và sơn màu xanh.
Theo Đất Việt