Hậu phương Mỹ sống trong lo sợ

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi Lầu Năm Góc trì hoãn triển khai tàu sân bay USS Harry Truman đến Vịnh Péc Xich, nhiều gia đình quân nhân bắt đầu nhận thấy cuộc sống của họ bị đe dọa.

Trong kế hoạch cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, binh sĩ cũng sẽ là nạn nhân. Jenelle Hatzung là một người vợ quân nhân chia sẻ rằng, cô nghe được thông tin trên từ các tờ báo hơn là từ Hải quân Mỹ. Cô tâm sự rằng, sứ mệnh của chồng cô đã bị hủy bỏ cách đó vài ngày trước khi ông được cấp trên phân công ở lại trên tàu USS Truman.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ về khả năng Quốc hội Mỹ thông qua một ngân sách ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống cá nhân tôi", cô Hatzung tâm sự. Cô và chồng nhận con nuôi trùng với thời điểm chồng cô về nhà. Nhưng bây giờ dự định đó đang đối mặt những thay đổi lớn khi mà lịch trình của chồng cô thay đổi và nó sẽ làm gián đoạn kế hoạch xây dựng tổ ấm của hai người.

"Điều này không phải lúc. Tôi biết rằng toàn bộ điều này liên quan đến một thứ ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới. Đó là tiền. Tôi cũng đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng gia đình binh sĩ sẽ được ưu tiên hàng đầu và không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cắt giảm ngân sách”, Jill Qualters là vợ của một lính Hải quân Mỹ bức xúc viết trên blog của mình. 

Hiện tất cả gia đình quân nhân Mỹ sống trong lo âu về kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng sắp tới. Chúng rất có khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Mặc dù theo một số nguồn tin, nhiều nghị sĩ nói rằng họ sẽ hỗ trợ cho các gia đình quân nhân.  

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cảnh báo sẵn sàng cắt giảm binh sĩ và các chi phí không cần thiết. Trên thực tế, không nhiều người Mỹ phục vụ trong quân đội. Theo một nghiên cứu của Pew, khoảng một nửa trong 0,5% người Mỹ trưởng thành phục vụ trong quân đội. Vì vậy, gia đình quân nhân đang dần bị lãng quên, không còn là mối quan tâm "đặc biệt" của Quốc hội và chính phủ Mỹ nữa. 

 Một binh sĩ thuộc Lữ đoàn Bộ binh 170 của Mỹ trở về đoàn tụ với gia đình sau khi thực hiện sứ mệnh tại Afghanistan.

Khi các nhà lập pháp Mỹ nâng trần nợ vào năm 2011 nhưng không  đồng ý về một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách nên họ đã thông qua  Luật Kiểm soát Thâm hụt ngân sách. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu tự động một cách mạnh tay hơn kể từ tháng 1/2013, trừ khi kế hoạch cân đối ngân sách được đưa ra và thông qua. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Nếu không có gì thay đổi, 1,2 nghìn tỷ USD nằm trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu và bảo vệ tự động sẽ bị trừ dần vào 10 năm tiếp theo.

Tại nhiều căn cứ quân sự trên khắp lãnh thổ Mỹ và ở các nơi khác, các hoạt động quân sự đã bị "tổn thương". Cụ thể, quân đội Mỹ chuẩn bị triển khai chiến đấu nhưng không có những khóa đào tạo điều cần thiết cho họ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều binh sĩ Mỹ ở Afghanistan đã nhìn thấy những tác động của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng dự kiến từ những tân tư trang, thiết bị được cấp phát hay số giờ mở cửa của nhà ăn.

Thêm vào đó, binh sĩ Mỹ đang lo lắng không biết những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với các chương trình hỗ trợ cho những quân nhân bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, tổn thương não sau chấn thương, chưa kể đến tình trạng tự sát tăng nhanh của các cựu chiến binh và các thành viên gia đình quân đội. Trên thực tế, khoảng 22 cựu binh tự sát mỗi ngày và không có dấu hiệu nào chứng tỏ làn sóng tự kết liễu đời mình của lực lượng này có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tăng lương của binh sĩ ở mức khiêm tốn cũng nằm trong kế hoạch cắt giảm ngân sách của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng đã đề nghị Quốc hội hạn chế tăng lương quân sự vào năm 2014 và chỉ tăng 1%, mặc dù dự kiến kế hoạch tăng lương này cao hơn.  

Đứng trước tình thế khó khăn này, các gia đình quân nhân Mỹ dùng những phương tiện truyền thông xã hội để viết và đăng bài về những hiểm nguy của nước Mỹ khi va vào vách đá tài chính. Họ viết những bài đó để nhắc nhở những thành viên của Quốc hội rằng nếu nước Mỹ chỉ dựa vào 1% binh sĩ để gánh vác trọng trách bảo vệ quốc gia trong khi những chế độ đối với họ không được thỏa đáng thì điều đó sẽ thật phi lý.

Bên cạnh đó, họ cũng cảnh báo rằng mọi người đừng nghĩ kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng chỉ ảnh hưởng đến quân nhân và gia đình họ mà nó còn ảnh hưởng đến hầu hết người Mỹ.

Theo ông  Panetta, “kế hoạch cắt giảm này trong 10 năm tới, ước tính Mỹ sẽ có lực lượng bộ binh nhỏ nhất kể từ năm 1940, số lượng tàu nhỏ nhất kể từ năm 1915 và Không quân nhỏ nhất trong lịch sử". 
Hệ lụy của nó sẽ khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương hơn các mối đe dọa đang nổi lên hơn bao giờ hết do kế hoạch đào tạo binh sĩ ít hơn và quân tư trang cho binh sĩ không đảm bảo. 
ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN
Nhật Anh