Theo tờ Tempo, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu PT Lundin Indonesia đến nay vẫn chưa khởi đóng tàu tàng hình KRI Klewang thứ 2 cho Hải quân Indonesia, sau khi chiếc thứ nhất bị cháy vào năm ngoái khi vừa hạ thủy.
“Tôi không biết khi nào họ sẽ bắt đầu và hoàn thành”, sĩ quan cấp cao Hải quân Indonesia Eka Edi Susanto nói.
Theo Edi, PT Lundin đã đệ trình tới Bộ Quốc phòng bản kế hoạch và thiết kế vật liệu cho tàu KRI Klewang thứ 2. Và loại vật liệu được dùng để chế tạo tàu lần này sẽ có khả năng chịu lửa tốt hơn.
Ngoài ra, việc chế tạo KRI Klewang thứ 2 sẽ nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Hải quân Indonesia.
Về vấn đề “khi nào sẽ đóng”, phía nhà thầu PT Lundin không có một câu trả lời rõ ràng nhất.
Trước đó, PT Lundin đã tuyên bố là việc đóng chiếc KRI Klewang thứ 2 sẽ bắt đầu vào tháng 1/2013. “Tôi hy vọng việc khởi đóng con tàu sẽ bắt đầu vào đầu năm 2013”, Giám đốc PT Lundin Lizza cho biết trong một thông báo ngày 20/12 năm ngoái.
|
Tàu tên lửa tàng hình 3 thân KRI Klewang thứ nhất trên biển thử nghiệm trước khi bị cháy.
|
KRI Klewang là lớp tàu tàng hình 3 thân hiện đại do Indonesia tự nghiên cứu và chế tạo bằng công nghệ trong nước (đơn giá 12 triệu USD/chiếc). Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, KRI Klewang là loại tàu chiến tàng hình hiện đại nhất Đông Nam Á.
Theo thiết kế, KRI Klewang có chiều dài 63m, rộng 16m, mớn nước 1,20m, có khả năng đạt tốc độ tới 30 hải lý/h. Toàn bộ hệ thống điện tử và vũ khí (pháo 6 nòng cỡ 30mm và 8 tên lửa hành trình chống tàu C-704) đều do Trung Quốc chế tạo.
Indonesia cũng tham vọng sẽ phát triển biến thể phục vụ cho mục đích xuất khẩu với cấu hình điện tử và vũ khí (pháo 40mm và tên lửa RBS15 MK3) do Thụy Điển và Anh chế tạo.
Tuy nhiên, sau khi hạ thủy vào tháng 8 năm ngoái, vừa thực hiện xong một cuộc chạy thử nghiệm trên biển, KRI Klewang đã cháy ra tro ngay tại bến đỗ tàu vào ngày 28/9.
Hải quân Indonesia và nhà thầu đều khẳng định do lỗi mạch điện trên tàu bị chập làm bùng phát ngọn lửa. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước này còn cho rằng một phần con tàu bị đốt cháy quá nhanh do nhà thầu dùng quá nhiều vật liệu carbon để chế tạo thân tàu.
Hoàng Lê