Không quân Nga nhận 70 Su T-50 trong năm nay?

Google News

(Kiến Thức) - Theo truyền thông Nga, dự kiến cuối năm nay Không quân Nga có thể nhận khoảng 70 chiếc tiêm kích tàng hình Su T-50.

Tờ TsRus dẫn lời quan chức Quân đội Nga cho biết, từ kết quả của việc thử nghiệm bay giai đoạn 1 máy bay chiến đấu T-50 kết thúc gần đây cho thấy, tính năng của máy bay chiến đấu kiểu mới này so với các đối thủ cạnh tranh quan trọng khác như F-22 Raptor của Mỹ không chỉ không thua kém mà thậm chí trong một số khía cạnh còn có ưu thế hơn.

Cũng theo vị quan chức này, dự kiến cuối năm nay Không quân Nga sẽ nhận lô hàng đầu tiên gồm hơn 70 chiếc Sukhoi T-50. Tuyên bố này khá “sốc” vì trước đó chính Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Ria Novosti rằng, Su T-50 sẽ chính thức đi vào phục vụ từ năm 2016.
Liệu có chuyện 70 chiếc Su T-50 được chuyển giao cho Không quân Nga trong năm nay.

Giám đốc Tập đoàn Chế tạo Hàng không Thống nhất Nga (UAC) Mikhail Pogosyan cho biết, tổng cộng có 5 mẫu Su T-50 tham gia thử nghiệm. Điều này cho thấy kỹ sư thiết kế của Nga đang đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu để rút ngắn khoảng cách với Mỹ. Tiêm kích tàng hình F-22 sớm đã đưa vào phục vụ trong Không quân Mỹ và được biết đến như là máy bay tiêm kích hiện đại nhất hiện nay.

Các kỹ sư thiết kế cho rằng, Sukhoi T-50 quy tụ những tinh hoa công nghệ tiên tiến của ngành công nghiệp hàng không Nga với việc sử dụng một loạt các thiết kế sáng tạo (công nghệ tàng hình, kết cấu bề mặt mới).

T-50 lần đầu tiên sử dụng nhiều chất liệu kết hợp polymer sợi carbon tiên tiến, nhẹ gấp 2 lần so với nhôm và titan, đồng thời cũng nhẹ gấp 4 đến 5 lần so với thép. Chất liệu mới này chiếm 70% lớp bề mặt của máy bay. Trọng lượng của T-50 nhẹ gấp 4 lần so với máy bay sản xuất bằng vật liệu truyền thống.Vì vậy các kỹ sư thiết kế có thể dễ dàng tăng trọng tải của máy bay.

Với việc ứng dụng một loạt công nghệ mới trong thiết kế, Su T-50 có diện tích phản hồi radar chỉ 0,5m2 (trong khi của Su-30MKI là 20m2). Nói cách khác, Su-30MKI có thể nhìn thấy trên màn hình radar là một vật thể kim loại 5x4m, còn T-50 nhỏ gấp 40 lần. Điều này có nghĩa là việc phát hiện và tấn công T-50 là vô cùng khó khăn, hơn nữa nó còn có tính năng cơ động đặc biệt của máy bay chiến đấu dòng Su.

Radar điều khiển hỏa lực của Su T-50 có thể phát hiện vật thể trên không và mặt đất trong phạm vi hàng trăm km. Đồng thời nó có thể theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu và dẫn tên lửa tấn công vài mục tiêu cùng lúc.

Trên Su T-50 còn được trang bị 10 thiết bị cảm biến khác nhau, không chỉ có thể giám sát kiểm soát tình hình xung quanh, đồng thời còn có thể trao đổi số liệu thực với hệ thống kiểm soát mặt đất và giữa các phi công.

Với công năng “phi công điện tử”, T-50 có thể đồng thời tự chủ phân tích tình hình, đưa ra một số kiến nghị hành động cho phi công. Một lượng lớn thông tin bay, chiến đấu được chuyển cho phi công, việc tiếp nhận thông tin rất dễ dàng, giảm thiểu lượng công việc của phi công. Vì vậy phi công có thể tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến thuật.
Su T-50 thiết kế tàng hình, có khả năng cơ động cao, hệ thống điện tử hiện đại, vũ khí hỏa lực mạnh.

Máy bay chiến đấu T-50 có thể cất và hạ cánh trên đường băng chỉ dài 300 đến 400m, trong tương lai còn sẽ được thiết kế trên nền tảng tàu sân bay.

Về vũ khí, Su T-50 thiết kế với 10 giá treo bố trí ở 2 khoang chạy theo chiều dọc thân máy bay (tối ưu hóa cho khả năng tàng hình) cho phép mang tổng cộng 6 tên lửa đối không tầm trung R-27/R-77 hoặc 4 tên lửa đối không tầm xa R-33-37 và 2 khoang nhỏ mang 2 tên lửa đối không tầm ngắn R-73. Ngoài ra, Su-T-50 còn có 6  giá treo trên cánh bên ngoài thân. Tuy nhiên, nếu dùng giá ngoài thì nó tự lược bỏ khả năng tàng hình của mình.






Bằng Hữu