KQ Ấn phải dùng “quan tài bay” MiG-21 tới 2019

Google News

(Kiến Thức) - Các phi công Ấn Độ bắt buộc phải sử dụng “quan tài bay” MiG-21 tới tận năm 2019 thay vì tới năm 2017.

Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence đưa tin, do sự chậm trễ trong chương trình phát triển tiêm kích hạng nhẹ Tejas và mua tiêm kích đa năng Dassault Rafale (Pháp), Ấn Độ sẽ phải kéo dài thời gian phục vụ khoảng 120 chiếc MiG-21 tới tận năm 2019.

Trước đó, tháng 8/2011, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo rằng họ sẽ cho nghỉ hưu toàn bộ MiG-21 vào năm 2017.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Ấn Độ.

Ấn Độ đưa vào sử dụng những chiếc tiêm kích MiG-21 đầu tiên vào năm 1964. Tổng cộng, nước này đã nhận được 874 chiếc do nhà máy Liên Xô sản xuất và một phần được sản xuất tại Ấn Độ.

Trong suốt quá trình sử dụng, Ấn Độ đã mất hàng trăm chiếc MiG-21 do tai nạn. Tỷ lệ các vụ tai nạn ngày càng tăng nhanh những năm trở lại đây. Chính điều đó đã làm tiêm kích nổi tiếng MiG-21 bị mang danh “quan tài bay” tại Ấn Độ. Mặc dù rất muốn thay thế MiG-21 càng sớm càng tốt nhưng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như vậy, Ấn Độ buộc phải tiếp tục duy trì MiG-21 tới năm 2019.

Các tướng lĩnh nước này lý giải rằng, một phần MiG-21 đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn hiện đại nên việc kéo dài thời gian sử dụng MiG-21 là hoàn toàn có thể.

“Một phần tiêm kích MiG-21 đã được nâng cấp lên chuẩn Bison với việc trang bị hệ thống radar Kopyo mạnh hơn, hệ thống định vị con quay hồi chuyển laser vòng và có khả năng mang vũ khí chính xác cao nên thời gian phục vụ có thể kéo tới năm 2019”, Tư lệnh Không quân Ấn Độ Norman Anil Kumar Browne nói.

Cùng với việc duy trì MiG-21, Ấn Độ đang thực hiện chương trình nâng cấp 69 tiêm kích MiG-29 với tổng giá trị gần 1 tỷ USD.

Các máy bay MiG-29 của Ấn Độ sau nâng cấp sẽ được trang bị hệ thống radar mạng pha N010M Zhuk-M có khả năng phát hiện, theo dõi đồng thời 10 mục tiêu trên không và dẫn tên lửa bắn hạ 4 trong số đó. Tầm trinh sát mục tiêu đường không khoảng 120km, mục tiêu trên biển khoảng 300km.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hoàng Lê