Đây là tuyên bố của một chỉ huy cấp cao của Quân đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương khi trả lời các nhà lập pháp vào ngày 25/3.
Cuộc chiến ở Afghanistan hạ màn, các chỉ huy lính thủy đánh bộ Mỹ muốn quân chủng của họ quay trở lại nhiệm vụ chính của mình: tấn công kẻ thù từ biển như họ vẫn thường làm trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, Đô đốc Samuel Locklear III – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết rằng các phương tiện đổ bộ hiện nay của lính thủy đánh bộ Mỹ không đủ đáp ứng nhu cầu của thực tế.
“Chúng ta đã trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng để lính thủy đánh bộ hoạt động tốt ở khu vực này họ cần được cung cấp các phương tiện đổ bộ tốt bao gồm cả tàu đổ bộ các loại”, Đô đốc Samuel Locklear III nói.
|
Tàu đổ bộ đệm khí của Lính thủy Đánh bộ Mỹ.
|
Lời tuyên bố của ông Samuel được đưa ra trong hoàn cảnh đang có các lo ngại về xung đột giữa Trung Quốc và Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chính phủ Obama cho rằng quần đảo Senkaku nằm trong hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ phải hỗ trợ Nhật trong trường hợp Trung Quốc tấn công. Năm 2013, Lính thủy đánh bộ Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã có buổi tập trận đổ bộ quy mô lớn ở đảo San Clemente, bang California.
Hiện nay Mỹ có 4 nhóm tàu đổ bộ sẵn sàng ở San Diego và 1 nhóm ở Sasebo, Nhật. Đô đốc Samuel đã yêu cầu thêm nhóm tàu đổ bộ nhưng Lầu Năm Góc vẫn đang xem xét. Theo ông Samuel, nhu cầu toàn cầu hiện nay đối với lính thủy đánh bộ đang vượt qua khả năng đổ bộ của quân chủng này.
Ông Samuel còn cho biết Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã từng phải gửi các nhóm tàu đổ bộ được bộ này huấn luyện và bảo dưỡng tới Trung Đông và châu Âu và bày tỏ mong muốn: khu vực Thái Bình Dương nên được đặt ở mức ưu tiên cao nhất để tăng cường nhóm tàu đổ bộ.
“Để quay lại Thái Bình Dương, theo ý kiến của tôi, lính thủy đánh bộ nên được tối ưu khả năng thực hiện nhiệm vụ bằng cách tăng cường tối đa khả năng đổ bộ”, Đô đốc Samuel cho hay.
|
Tàu đổ bộ lớn Hải quân Mỹ.
|
Trong buổi điều trần của mình, tướng Curtis Scaparrotti – người đứng đầu lực lượng Liên Hiệp Quốc và Mỹ ở Hàn Quốc đã cho thấy những lo ngại về khả năng chống lại một cuộc tấn công lớn của Triều Tiên khi các lực lượng Mỹ ở đây phải dựa vào khả năng triển khai nhanh nếu xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên.
Tướng Scaparrotti đồng ý rằng tình trạng sẵn sàng chiến đấu thấp của các lực lượng lưu trú ngoài Hàn Quốc có thể dẫn tới việc chậm trễ xây dựng lực lượng chiến đấu – trong khi đó kẻ địch sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị phòng ngự. Điều này sẽ dẫn tới việc phải kéo dài thời gian chiến đầu và đồng nghĩa với việc sẽ có thương vong lớn cho Quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
Nguyễn Hoàng