Hải quân Hoàng gia Malaysia vừa lên kế hoạch triển khai trên biển để đảm bảo an ninh tại bờ biển phía đông Sabah ở Borneo sau khi các tay súng Philippines thực hiện thành công vụ bắt cóc thứ 2 trong năm 2014.
Tư lệnh Hải quân Malaysia, Đô đốc Aziz Jaafar trả lời hãng tin IHS Jane’s cho biết, bản dự thảo kế hoạch của Hải quân Malaysia đã được gửi lên chính phủ để xem xét. Bản dự thảo xây dựng 2 lựa chọn cho chính phủ Malaysia: xây dựng lực lượng tàu phản ứng nhanh từ tàu mẹ hoặc xây dựng căn cứ tại các đảo nhỏ.
Hiện tại, các lực lượng an ninh Malaysia đang hoạt động bên ngoài căn cứ và cảng ở bờ biển phía đông Sabah.
|
Tàu tuần tra đặc biệt Mark V. |
Hãng tin IHS Jane's dẫn lời Tư lệnh Hải quân hoàng gia Malaysia cho biết, lực lượng này có thể mua thêm tàu tuần tra đặc biệt Mark V từ Mỹ trong một chương trình chuyển giao. Chương trình chuyển giao kể trên sẽ phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có đồng ý có những tàu được đóng lại tại Malaysia để giảm giá thành.
Đô đốc Aziz từ chối bình luận về việc số tàu Mark V sẽ được mua, tuy nhiên nguồn tin của IHS Jane’s tiết lộ, 12 chiếc sẽ được Mỹ chuyển cho Malaysia. Đội đánh giá tàu của Hải quân Malaysia tại Mỹ cho biết, có 8 tàu có thể hoạt động bình thường trong khi 4 tàu còn lại cần thay thế các phụ tùng.
"Việc thay đổi cấu trúc Hải quân Malaysia ở Sabah cho phép lực lượng này cắt giảm thời gian phản ứng nhằm chống lại các vụ xâm nhập của các tay súng từ Philippines", Đô đốc Aziz cho biết.
Ông Aziz cũng cho biết thêm, nếu các căn cứ tiền tiêu được thông qua, nơi này có thể được trang bị các radar giám sát.
Cả 2 vụ bắt cóc gần đây đều liên quan đến công dân Trung Quốc và là nỗi lo lớn đối với chính phủ Malaysia. Trong vụ bắt cóc đầu tiên diễn ra vào 2/4, 1 nữ du khách Trung Quốc và 1 nhân viên người Philippines đã bị bắt cóc từ một khu nghỉ dưỡng. Trong ngày 6/5, vụ bắt cóc thứ 2 diễn ra khi 1 công dân Trung Quốc bị bắt đi từ trang trại nuôi cá do ông này quản lý.
Quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Malaysia đã trở nên căng thẳng từ sau vụ mất tích của chiếc máy bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia. Chiếc MH370 mất tích khi đang trên đường bay đến Bắc Kinh với phần lớn hành khách trên khoang có quốc tịch Trung Quốc. Trong khi công chúng Trung Quốc bày tỏ sự giân dữ vì cách Malaysia xử lý vụ mất tích thì cả chính phủ Trung Quốc và chính phủ Malaysia đều tuyên bố rằng quan hệ song phương không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngô Trang