Máy bay thế hệ 6 của Trung Quốc sẽ đánh bại F-22

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc sẽ đưa máy bay chiến đấu thế hệ 6 vào phục vụ từ năm 2020 để có thể đánh bại F-22 của Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này đã phát triển thành công hai loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 là J-20 và  J-31. Giờ đây, họ bắt đầu tiếp tục dành thời gian nghiên cứu và làm việc trên loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 6.

Điều này có nghĩa là, Trung Quốc không chỉ là quốc gia thứ hai trên thế giới đang phát triển ít nhất hai loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 trong cùng một thời điểm, mà đã bắt đầu chủ động dự án nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Cách đây gần một tháng, China Industry Daily đưa tin Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thẩm Dương (SAC), một trong những doanh nghiệp xương sống của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), đã rút ngắn chu trình phát triển máy bay chiến đấu từ 10-15 năm xuống chỉ còn 3-5 năm.
Sau J-20 và J-31, Trung Quốc tiếp tục phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

SAC chỉ cần 19 tháng đã phát triển thành công nguyên mẫu J-31 và tạo ra một kỷ lục mới trên thế giới. Sau chuyến bay thử nghiệm thành công nguyên mẫu J-31, dự án nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đã chính thức được khởi xướng.

Science and Technology Daily đưa ra một báo cáo đặc biệt trong đó nói rằng, Trung Quốc đã tự phát triển thành công một máy bay không người lái có khả năng độc lập do thám và trinh sát. Nguyên mẫu UAV tấn công của SAC đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trong tháng 12/2012.

Một vài nguồn tin công nghiệp quân sự Trung Quốc cho hay, máy bay không người lái của SAC có sải cánh14m, chiều dài 11m, tức lớn hơn loại nEUROn của Pháp nhưng nhỏ hơn so với X-47B của Mỹ.

Theo suy đoán của các chuyên gia hàng không Trung Quốc, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 6 của họ sẽ có các đặc điểm: đặc tính tàng hình tốt hơn đáng kể so với máy bay thế hệ 5; tầm bay xa hơn; có thể bay từ tốc độ cận âm, siêu âm tới siêu vượt âm; trang bị nhiều loại cảm biến và hệ thống hàng không có độ nhạy cao.

Mô hình UAV mới của Trung Quốc có hình dáng tương tự nEUROn và X-47B.

Cả máy bay có người lái và không có người lái đều có thể mang được nhiều loại vũ khí năng lượng định hướng như vũ khí laser và pháo điện từ.

Với các công nghệ hàng không tiêu chuẩn, các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22, F-35, Su-T-50, J-20, J-31 sẽ dễ dàng bị hệ thống chiến đấu hàng không thế hệ thứ 6 đánh bại.

Các chuyên gia nói rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc sẽ không chỉ là một máy bay tấn công, mà còn là một nền tảng thông tin, hay một nút mạng trên mạng lưới chiến trường.

Nó có thể truyền thông tin về các mục tiêu quan trọng tới mạng lưới của hệ thống thông tin chiến đấu thống nhất C4ISR (gồm Chỉ huy, Giám sát, Truyền thông, Máy tính, Tìn báo, Giám sát và Trinh sát) trong thời gian thực và tạo cơ sở cho việc ra quyết định chiến đấu hiệu quả nhất. 
Mô hình máy bay không người lái Dark Sword của Trung Quốc.

Mặt khác, nó cũng có thể có được những thông tin cần thiết từ mạng lưới C4ISR để tối ưu hiệu quả chiến đấu. Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 cũng có khả năng chiến đấu, tấn công trên không, tấn công mặt đất một cách toàn diện và tham gia tấn công chính xác các mục tiêu.

Từ tốc độ phát triển của máy bay không người lái mới của SAC, dự kiến máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc sẽ ra mắt vào năm 2020. Bên cạnh SAC, Tập đoàn hàng không Thành Đô cũng sẽ phát triển một nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Trên thực tế, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc sẽ là một gia đình "đồ sộ" gồm: máy bay chiến đấu hạng nặng, máy bay hạng trung cũng như nhiều nền tảng máy bay không người lái trinh sát/tấn công tàng hình.

Các chuyên gia Trung Quốc khẳng định, trong kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của họ không có chuyện ăn cắp hay sao chép công nghệ từ các máy bay tàng hình của Nga và Mỹ. Trung Quốc đã có được rất nhiều công nghệ hàng không tối tân thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ đầy đủ trong lĩnh vực phòng thủ công nghệ cao, như các vật liệu mới, hệ thống động cơ đẩy và vi mạch điện tử. Ngoài ra, ngày càng có nhiều những kỹ sư trẻ tuổi tham gia vào các nhóm nghiên cứu và phát triển của ngành Công nghiệp hàng không Trung Quốc.

Vì thế, Trung Quốc có thể tự tin vào khả năng của họ để tạo ra thêm một kỷ lục thế giới mới sau khi ra mắt máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu vào năm 2020.

ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN LIÊN QUAN
Bạch Dương (theo China Defense Mashup)