Mỹ thay thế xe bọc thép thời Chiến tranh Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ đang tìm kiếm một loại xe bọc thép mới để thay thế xe bọc thép chở quân M113 hoạt động từ thời Chiến tranh Việt Nam.

Quân đội Mỹ đang lựa chọn loại xe mới để thay thế dòng xe bọc thép chở quân M113 nhằm phù hợp với tác chiến hiện đại. Những chiếc M113 đầu tiên được Quân đội Mỹ đưa vào phục vụ từ năm 1961 và chúng được dùng rất rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam (1954-1975).
“Quân đội ước tính sẽ thay thế khoảng 2.000-3.000 chiếc thuộc nhiều biến thể của M113. Hầu hết các loại xe bọc thép này đều có giáp tương đối mỏng và không phù hợp với các kịch bản tác chiến hiện đại”, các chuyên gia trong ngành công nghiệp cho hay.
Xe bọc thép M113 của Quân đội Mỹ.
Chương trình Xe bọc thép đa chức năng (AMPV) là một dự án của Quân đội Mỹ nhằm thay thế các “đại gia đình” xe bọc thép M113 để giảm thiểu khoảng cách giữa khả năng bảo vệ người lính hiện tại và tương lai cũng như các tính năng khác như khả năng di động, tính đáng tin cậy và khả năng tương tác giữa các đội tác chiến hạng nặng (HBTC).
AMPV sẽ có nhiều biến thể cho những nhiệm vụ nhất định trong các đội tác chiến hạng nặng bao gồm: mục đích chung, vận chuyển và điều trị y tế, pháo cối tự hành và chỉ huy. Hiện có khoảng 3000 xe M-113 với nhiều biến thể khác nhau thực hiện các nhiệm vụ kể trên.
Quân đội Mỹ ủng hộ việc lựa chọn một nhà cung cấp duy nhất cho cả chương trình thay thế. Ngoài ra việc một mẫu xe có sẵn có thể đáp ứng yêu cầu cũng sẽ là lợi thế thay vì phát triển một mẫu xe mới vì lý do tiết kiệm chi phí.
Tờ Defense News cho biết, Quân đội Mỹ muốn mua khoảng 2.097 AMPV trong vòng 13 năm với giá khoảng 1,8 triệu USD cho mỗi chiếc xe. Một số báo cáo khác cho biết quân đội Mỹ muốn khoảng 3.000 chiếc xe.
Quân đội Mỹ có kế hoạch lựa chọn hợp đồng thiết kế và phát triển 5 năm vào tháng 5/2014 cho một nhà thầu cho mục đích thử nghiệm cùng với việc sản xuất bắt đầu năm 2020.
M113 là dòng xe bọc thép thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ và cũng là một trong những loại xe bọc thép chở quân phổ biến nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại với hơn 80.000 chiếc được sản xuất từ 1960 tới ngay nay, phục vụ ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới (trong đó có Quân đội Nhân dân Việt Nam, thu được từ quân đội Sài Gòn sau 1975).
Lính Mỹ ngồi trên chiếc M113 ở chiến trường Việt Nam.
Thiết kế tiêu chuẩn M113 nặng khoảng 12,3 tấn, dài 4,8m, rộng 2,6m, cao 2,5m. Xe được bọc giáp hợp kim nhôm dày 12-38mm, trang bị đại liên 12,7mm và 7,62mm. Xe được trang bị động cơ diesel cho phép đạt tốc độ 67,6km/h trên đường bằng và 5,8km/h khi lội nước.
Trên chiến trường, M113 được đánh giá là có tính cơ động cao, tốc độ nhanh vượt địa hình tốt, lội nước tốt. Tuy nhiên, lớp giáp của nó quá mỏng dễ bị vũ khí chống tăng cầm tay như RPG xuyên thủng.
Dựa trên cơ sở M113, các nhà sản xuất Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã phát triển hàng loạt biến thể phục vụ cho mục đích khác nhau như: chống tăng (lắp bệ phóng tên lửa diệt tăng TOW); hệ thống phun lửa; hệ thống phòng không (lắp pháo 20mm hoặc tên lửa); hệ thống cối tự hành; xe cứu kéo hỗ trợ; xe chỉ huy; xe cấp cứu...
Nguyễn Hoàng