Bộ quốc phòng Myanmar đã đệ trình khoản ngân sách quốc phòng năm 2014 khoảng 2,39 tỷ USD. Khoản ngân sách này chiếm 14% chi phí chính phủ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các bộ của chính phủ Myanmar, nhưng giảm so với năm 2013. Ngân sách quốc phòng mới dự kiến sẽ được thông qua trong tháng 2 và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/2014.
Theo báo chí Myanmar, phần lớn khoản ngân sách (chừng 2,28 tỷ USD) sẽ dùng cho “kế hoạch quân sự”, phần còn lại dùng để trả lương.
Hãng truyền thông Eleven Media Group tại Yangon dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Myanmar Wai Lwin cho biết, ngân sách quốc phòng sẽ dùng cho kế hoạch phúc lợi quân sự, bồi dưỡng, huấn luyện, giao lưu và mua sắm vũ khí.
|
Đội hình pháo tự hành của Quân đội Myanmar trong cuộc duyệt binh.
|
Còn theo tạp chí Jane’s Defence Weekly, ngân sách quốc phòng mà Myanmar công bố không bao gồm quỹ của một số kênh, không bao gồm các doanh nghiệp quân đội, như nguồn quỹ của Tập đoàn Union of Myanmar Economic Holdings Ltd và công ty kinh tế Myanmar, cũng không bao gồm quy thu được thông qua luật vốn đặc biệt (mục đích quỹ đặc biệt là hỗ trợ quân đội Myanmar “thực hiện chủ quyền quốc gia”).
Trong nhiều năm trở lại đây, ngân sách quân sự của Myanmar có được chủ yếu thông qua trợ cấp từ các nguồn thu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên quốc giá, đặc biệt là dầu khí.
Căn cứ vào số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), những năm gần đây Myanmar đã mua nhiều loại vũ khí trang bị từ Nga như máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum, trực thăng tấn công Mi-35 Hind E, hệ thống radar 1L117M, máy bay vận tải An-148-100E.
Ngoài nước Nga, Myanmar đã mua pháo hải quân 76mm từ Italy, pháo 155mm và 105mm của Serbia và xe thiết giáp đa năng MT-LB từ Ukraine.
Bằng Hữu