Theo hãng tin Arms-Tass, Tổng công ty nhà nước Rosatom ngày 13/5 đã đăng tải trên website công ty đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga về việc khôi phục hoạt động của tàu trinh sát, đối kháng điện tử cỡ lớn SSV-33 Ural. Đây là lớp tàu trinh sát khổng lồ có một không hai trên thế giới từng hoạt động dưới thời Liên Xô. Dự kiến, người thắng cuộc gói thầu khôi phục tàu trinh sát lớp Ural sẽ được công bố vào ngày 9/7 tới.
Với tổng giá trị hợp đồng ước đạt 650 triệu rúp, Rosatom sẽ chia gói thầu khôi phục tàu Ural thành 3 bước và chiến hạm trinh sát cỡ lớn này sẽ được biên chế trở lại vào Hải quân Nga trong năm 2016. Toàn bộ quá trình khôi phục chiến hạm Ural sẽ được thực hiện tại Bolshoi Kamen, vùng Primorye, nơi con tàu đang được niêm cất.
|
Tàu trinh sát, phát hiện sớm tên lửa đạn đạo khổng lồ SSV-33 Ural.
|
SSV-33 Ural thuộc lớp Project 1941 Titan được thiết kế để phát hiện sớm tên lửa đạn đạo Mỹ, NATO trong Chiến tranh Lạnh.
Kích thước của con tàu có thể so sánh với tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng lớp Orlan của Liên Xô hay tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ INS Vikramaditya. Con tàu khổng lồ này dài 265m (dài hơn tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle 4 mét) và rộng 30m, lượng giãn nước gần 37.000 tấn.
Nhiệm vụ chính của lớp tàu trinh sát này là tổ chức trinh sát điện tử, đối kháng điện tử cấp hạm đội. Với các kênh liên kết thông tin với vệ tinh, hệ thống điện tử và radar trên tàu Ural cung cấp tham số về vị trí, phần từ bắn về đối phương cho các đơn vị tàu ngầm, tàu nổi của Liên Xô. Đây là yếu tố rất quan trọng trong học thuyết tác chiến phi đối xứng dùng tên lửa hành trình diệt hạm của Liên Xô để đối phó với các hạm đội tàu sân bay của Mỹ và đồng minh.
Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ ở mọi nơi trên thế giới, dài ngày, Project 1941 Titan được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân KN-3 với 2 động cơ tuốc bin khí GT3A-688 giúp tàu đạt tầm bơi không giới hạn, tốc độ đạt được tới 21,6km/h.
|
Con tàu hiện ở trong tình trạng hết sức tồi tệ với các hệ thống điện tử đã bị phá hủy hoàn toàn do thời gian.
|
“Hỏa lực” chính của Project 1941 không phải là các hệ thống tên lửa diệt hạm cực mạnh hay pháo hạm hạng nặng mà là các hệ thống điện tử - hệ thống trinh sát vô tuyến Coral được phát triển bởi Viện thiết kế Vympel từ năm 1975.
Hệ thống Coral được cấu thành với bộ đôi siêu máy tính ES-1046 và Elbrus được thiết kế để theo dõi các vụ phóng tên lửa, xác định các loại tên lửa, phạm vi và địa điểm phóng cùng mục tiêu tọa độ, trọng lượng, tải trọng, thậm chí là cả thành phần của nhiên liệu tên lửa được sử dụng.
Theo thiết kế, hệ thống trinh sát phức tạp của tàu có thể xác định bất kỳ mục tiêu nào, theo dõi các kênh thông tin liên lạc, theo dõi vệ tinh và xác định các thông số kỹ thuật của bất kỳ tàu vũ trụ nào từ khoảng cách 1.500 km.
Văn Đạo