Trong khuôn khổ triển lãm DSA-2014 diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia), công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa các hoạt động cung cấp vũ khí cho các nước châu Á-Thái Bình Dương.
"Trước hết Rosoboronexport sẽ thảo luận về các dự án hiện tại và lâu dài với đối tác Malaysia vì lợi ích lâu dài của lực lượng vũ trang nước này", ông Nikolai Dimidyuk - Giám đốc nhiệm vụ đặc biệt và cũng là trưởng đoàn Nga tại DSA-2014 trao đổi với các phóng viên.
Công ty cổ phần nhà nước OAO Rosoboronexport là tổ chức nhà nước duy nhất tại Liên bang Nga kiểm soát toàn bộ các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ quân sự. Công ty này chiếm hơn 80% các sản phẩm vũ khí xuất khẩu do Nga sản xuất.
|
Nga hy vọng sẽ nối lại quá trình đàm phán cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS với Malaysia.
|
Bộ Quốc phòng Malaysia đã sớm có kế hoạch thông báo đấu thầu cung cấp máy bay chiến đấu đa năng và Nga sẽ tham gia với ứng viên là biến thể nâng cấp của Su-30MKM (trước đó Malaysia mua 24 Su-30MKM). Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Itar-Tass, ông Dimidyuk cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ có cơ hội cao trong chương trình đấu thầu đó, dẫn chứng là sự thành công của 2 loại tiêm kích Su-30MKM và MiG-29N trong biên chế Không quân Malaysia”.
Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỉ trọng lớn trong việc xuất khẩu các loại vũ khí và công nghệ quân sự của Nga. Hầu hết các đối thủ cạnh tranh của Nga hiện nay đều quan tâm đến thị trường này.
Dimidyuk trao đổi thêm, trong những ngày tới, Nga có kế hoạch thảo luận trở lại với Malaysia về khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho nước này. Trước đó tại triển lãm DSA-2012, phía Malaysia đã bày tỏ sự quan tâm đến một biến thể nâng cấp của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S.
Lãnh đạo phái đoàn Rosoboronexport cho biết thêm, trong khuôn khổ của DSA-2014, phía Nga có thể tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác công nghiệp với một công ty của Malaysia. Ngoài ra Nga sẽ thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE cho Malaysia được ký kết tại DSA-2012.
|
Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là thị trường trọng điểm của vũ khí Nga trong thời gian tới.
|
“Hợp đồng đang thực hiện một cách thành công, các lô hàng đầu tiên của tên lửa RVV-AE sẽ được cung cấp cho khách hàng, lô thứ 2 của hợp đồng sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay”, Dimidyuk nói.
Nga cũng có kế hoạch cung cấp các hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E và hệ thống phòng không tích hợp tầm thấp Pantsir-S1 cho Malaysia.
Đối với lĩnh lực hải quân, Malaysia cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc đảm bảo quốc phòng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Dimidyuk nói: “Về mặt này chúng tôi sẽ giới thiệu các kiểu tàu tuần tra Mirazh, Sobol, Mangust và các tùy chọn khác cho hệ thống tích hợp giám sát các vùng ven biển tới Malaysia”.
Cũng trong khuôn khổ DSA-2014, Nga và Bangladesh đã đạt được thỏa thuận cung cấp 5 trực thăng chiến đấu - vận tải Mi-171Sh. Ngay sau khi tham quan gian hàng của Mi-171Sh, Malaysia và Nepal cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến loại trực thăng đa năng này.
Phía Nga cũng sẽ cung cấp 16 máy bay huấn luyện Yak-130 cho Bangladesh vào năm tới. Ông Dimidyuk đã khép lại cuộc trao đổi với các phóng viên rằng: “Chúng tôi đã bán được 16 chiếc Yak-130 trong tháng 4 như là một sự thể hiện mối quan tâm lớn đến loại máy bay này đã thể hiện một màn trình diễn ấn tượng trong những điều kiện khó khăn nhất”.
Bình Đức