Nga muốn hồi sinh căn cứ hải quân ở Cam Ranh?

Google News

(Kiến Thức) - Các quan chức cấp cao Quân đội Nga ủng hộ ý tưởng tái lập căn cứ hải quân ở Cam Ranh, Việt Nam.

Itar-Tass dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên Bang Nga Victor Ozerov cho hay, ông ủng hộ ý tưởng việc tái lập căn cứ quân sự ở Cam Ranh (Việt Nam).

“Chúng tôi muốn hồi sinh căn cứ quân sự của mình tại Việt Nam (tức là trở lại Cam Ranh)”, ông Ozerov nói trong buổi gặp gỡ tùy viên quân sự nước ngoài tại Nga.

Đài tiếng nói nước Nga
dẫn lời tư lệnh Hải quân Victor Chirkov cũng tuyên bố muốn phục hồi căn cứ hải quân cũ ở Việt Nam.

“Chúng tôi muốn phục hồi căn cứ hải quân cũ ở Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng phát triển sự hiện diện của Nga cả trong những vùng biển và đại dương khác”, ông Chirkov nói.

Hải quân Nga muốn trở lại Cam Ranh. Ảnh minh họa

Ông Chirkov cũng cho hay, trong trường hợp cần thiết Bộ tư lệnh Hải quân Nga sẽ đề nghị ban lãnh đạo lập lực lượng hải quân hoạt động trên cơ sở thường trực ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cuối năm 1978, đại diện Hải quân Liên Xô và phía Việt Nam đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật tại Cam Ranh.

Ngày 2/5/1979, Chính phủ Liên Xô và Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng quân cảng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương trong 25 năm (Trạm cung ứng mang phiên hiệu 922).

Theo qui định trong hiệp định, tại Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8-10 tàu chiến đấu mặt nước, 4-8 tàu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tàu hộ tống. Tại sân bay có thể tiếp nhận từ 14-16 chiến đấu cơ, 6-9 trinh sát cơ và 2-3 vận tải cơ. Tùy theo tình hình cụ thể, số lượng máy bay và tàu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai nước.

Năm 2002, phía Nga đã thống nhất với Việt Nam về việc bàn giao căn cứ Cam Ranh trước thời hạn 2 năm. Ngày 4/5/2002, những người lính Nga cuối cùng lên tàu rời khỏi Cam Ranh sau 23 năm đóng tại nơi này.

Kể từ đó tới nay, cảng Cam Ranh được Việt Nam khai thác phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng và kinh tế.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hiền Thảo (theo Itar-Tass, Đài tiếng nói nước Nga)