Thông tin trên mới được tờ TASS ngày 3/7 dẫn lời ông Igor Sevastyanov, Phó Giám đốc điều hành của cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết tại Triển lãm Phòng thủ biển (IMDS-2015).
Theo đó, Rosoboronexport dự định sẽ tiếp tục hợp đồng cung cấp các tàu đổ bộ Zubr cho Trung Quốc.
“Nhà máy đóng tàu Morye thiết kế các tàu Zubr là một nhà máy thuộc về Nga, vì thế, lẽ đương nhiên là có trách nhiệm hoàn thành hợp đồng này. Đây vốn là hợp đồng đã được ký kết trước đó giữa Ukraine và Trung Quốc”, ông Sevastyanov nói.
|
Tàu đổ bộ Zubr.
|
Nhà máy Morye là đơn vị chuyên sản xuất các tàu hỗ trợ có khả năng cơ động với tốc độ cao (như tàu cánh ngầm, tàu đệm khí và các tàu có công nghệ đáy hốc khí), thuyền, du thuyền và các thuyền có thân làm bằng hợp kim nhôm-magiê.
Từ năm 2009, Ukraine và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cung cấp 4 tàu đổ bộ đệm khí Bizon (phiên bản tàu đổ bộ Zubr của Ukraine vốn bắt nguồn từ Dự án Project 12322 của Liên Xô). Hai tàu Bizon đã được chuyển tới Trung Quốc, hai chiếc khác đã được xây dựng tại Trung Quốc với sự tham gia của các chuyên gia Ukraine theo điều khoản trong hợp đồng.
Nhưng điều đáng nói ở chỗ, vào năm 2014, Crimea sáp nhập vào Nga. Trong khi đó nhà máy đóng tàu Morye lại đóng tại Crimea, do đó về mặt pháp lý hiện tại Morye lại thuộc về Nga. Đó cũng là lý do Nga lên tiếng muốn đứng ra tiếp tục hợp đồng này.
Zubr là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới. Nó có một khoang chở hàng với diện tích tương đương 400 mét vuông và có thể chứa được 56 tấn nhiên liệu. Zubr có khả năng chở theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực nặng tới 150 tấn hoặc 10 xe bọc thép và 140 binh sĩ tương đương với 131 tấn, hoặc 8 xe bọc thép chở quân với trọng tải 115 tấn, hoặc 8 xe tăng đổ bộ hay 500 binh sĩ với 360 binh sĩ ở trên khoang chở hàng.
Đồng thời Zubr có thể chịu được điều kiện sóng biển cấp 4 và có tốc độ hành trình lên tới 30-40 knots (55,56-74,08 km/h).
Việc phát triển tàu đổ bộ Zubr đã bắt đầu từ thời Liên Xô cũ vào năm 1978. Loạt tàu đầu tiên thuộc lớp này đã gia nhập Hải quân Liên Xô vào năm 1988. Đã có 9 tàu đổ bộ Zubr hoạt động trên thế giới thuộc Nga, Ukraine và Hy Lạp. Trong đó Hy Lạp mua 4 chiếc Zubr và cũng là nước thành viên NATO đầu tiên sử dụng tàu chiến do Nga đóng.
Văn Biên