Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian mới đây đã công bố một số chương trình quốc phòng mới trước quốc hội nước này. Một trong những chương trình được thông báo là dự án ANL (Anti Navire Léger / Tên lửa chống tàu hạng nhẹ) do Tập đoàn MBDA thực hiện, hợp tác với Anh. Chương trình này còn được gọi là FASGW (H) dự án phát triển hệ thống tên lửa chống hạm hạng nặng ở Anh.
Hiện tại dự án FASG (H)/ANL đã được Quốc hội Pháp “bật đèn xanh” và sẽ là chương trình mua sắm vũ khí chung cuối cùng sẽ được nước này triển khai trong năm nay. Nguyên nhân khiến dự án này chậm triển khai là do một số rắc rối phát sinh từ phía Hải quân Hoàng gia Anh, hiện nước này cũng đang phát triển một dòng tên lửa chống hạm mới nhằm thay thế tên lửa Sea Skua đã lỗi thời.
|
Mô hình kích cỡ thật tên lửa chống tàu hạng nhẹ FASGW (H) cho trực thăng Hải quân Anh.
|
Nước Anh đang có kế hoạch thay thế tên lửa Sea Skua được sử dụng cùng với trực thăng Lynx đang có trong biên chế Hải quân Hoàng gia Anh hiện nay. Với dự án FASGW (H), hải quân nước này hy vọng có thể triển khai các tên lửa mới trên các trực thăng Wildcat sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2015 hoặc chậm nhất theo báo cáo của văn phòng kiểm toán nước Anh là vào đầu năm 2018.
FASG (H)/ANL được phát triển để có thể tích hợp trên các trực thăng hải quân AW159 Lynx Wildcat của Hải quân Anh và trực thăng NH90, Panther của Hải quân Pháp.
Theo tập đoàn MBDA, các loại tên lửa mới sẽ là một bước tiến đáng kể so với các tên lửa chống tàu hạng nhẹ Sea Skua và AS15TT trước đây.
- Với phạm vi tấn công lớn giúp bảo vệ trực thăng khỏi các hệ thống phòng không.
- Khả năng định vị chính xác các mục tiêu cần tiêu diệt.
- Được trang bị nhiều tính năng mới giúp phi công có thể dễ dàng tìm thông tin về mục tiêu thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu hai chiều được kết nối trực tiếp với trung tâm điều hành tác chiến.
|
Ảnh đồ họa trực thăng AW 159 Hải quân Anh phóng tên lửa FASG (H).
|
Với hệ thống dữ liệu về mục tiêu này, sẽ cho phép trung tâm điều hành tác chiến có thể thay đổi hướng đi của tên lửa bất cứ lúc nào sau khi tên lửa đã được phóng đi.
- Có thể tiêu diệt chính xác các mục tiêu vào ban ngày và lẫn cả ban đêm, nhờ các hệ thống cảm biến được trang bị trên trực thăng lẫn trên tên lửa.
- Có trọng lượng nhẹ hơn các tên lửa chống tàu kiểu cũ, giúp tăng số lượng các tên lửa FASGW-ANL có thể mang theo.
|
Ảnh đồ họa trực thăng Panther Hải quân Pháp phóng ANL.
|
Thiết kế mới sẽ duy trì một số đặc điểm trước đó của tên lửa Sea Skua và AS15TT cho phép khách hàng có thể dễ dàng nâng cấp. Bằng cách giữ lại các khả năng tương thích của các hệ thống tên lửa cũ dẫn đến những lợi ích sau đây:
- Hạn chế thay đổi về trang thiết bị trên tàu cũng như trên máy bay.
- Đảm bảo các thế hệ trực thăng cũ vẫn có thể sử dụng được các thế hệ tên lửa mới.
- Hạn chế chi phí về hậu cần nhờ tác động hạn chế vào các hệ thống tên lửa cũ.
- Chi phí tích hợp các hệ thống tên lửa mới vào hệ thống điều khiển trên tàu thấp nhờ vẫn duy trì các hệ thống điều khiển dành cho các tên lửa cũ trước đây.
Trà Khánh