Siêu hạm DDG-1000 Mỹ hoãn hạ thủy vì chính phủ đóng cửa

Google News

(Kiến Thức) - Tàu khu trục tàng hình tối tân DDG-1000 của Mỹ bị hoãn hạ thủy chính vì chính phủ Mỹ đóng cửa.

Tờ Beijing News đưa tin, theo kế hoạch ban đầu thì vào sáng ngày 19/10 tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt (DDG-1000) mới nhất của Hải quân Mỹ được hạ thủy. Nhưng do ảnh hưởng của việc đóng cửa chính phủ Mỹ, cho nên thời gian hạ thủy ban đầu được hoãn lại.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus cho biết, đối với một tàu chiến lớn như vậy, không thể tổ chức được một buổi lễ hạ thủy là điều rất đáng tiếc. Nhưng việc chính phủ Mỹ đóng cửa vào thời điểm này khiến buổi lễ hạ thủy tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) không thể thông qua.
Hiện nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã đạt được sự nhất chí chung nâng cao trần nợ chính phủ, việc đóng cửa chính phủ cũng tạm thời kết thúc. Tuy nhiên, sự thay đổi này liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch hạ thủy tàu khu trục DDG-1000 tới đây hay không, hiện vẫn chưa biết rõ.
 Siêu tàu khu trục DDG-1000 cơ bản đã hoàn thiện với việc lắp đặt hệ thống vũ khí, kiến trúc thượng tầng, sơn bên ngoài và sẵn sàng hạ thủy.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho biết, đặc điểm lớn nhất của tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) là tính năng tàng hình, điều này được tăng cường rất nhiều so với tàu khu trục Areligh Burke và tuần dương hạm Ticonderoga. Về khả năng tác chiến của tàu cũng được nâng cao trong trang bị hệ thống tên lửa đối không, đối hải. Đặc biệt, chiến hạm này được trang bị siêu pháo hải quân cỡ 155mm có thể bắn viên đạn thông minh đi xa cả trăm km.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen cho rằng, tàu khu trục lớp Zumwalt rất phù hợp với trọng tâm chiến lược của Mỹ, cần tăng cường thực lực tại khu vực Thái Bình Dương, để đối phó với với tầm ảnh hưởng kinh tế và thực lực quân sự không ngừng tăng của Trung Quốc và các nước lớn tiềm năng khác.
Mặc dù ông Mike Mullen không giải thích chi tiết việc sử dụng tàu khu trục DDG-1000 như thế nào, nhưng ông này cho biết thêm, công nghệ mới của tàu Zumwalt có thể phá vỡ chiến lược “chống can thiệp” của nước lớn trong khu vực, củng cố vị trí chủ đạo của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
“Mỹ đang đóng một loạt tàu mới, chịu ảnh hưởng của chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama, những tàu mới này trong tương lai nhiều khả năng sẽ được triển khai tại khu vực này. Vì trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ tin rằng “đối thủ” chiến lược tương đối nhiều”, ông Lý Kiệt nói.
Bằng Hữu