Tàu ngầm Hà Nội sắp “nhúng nước” Biển Đông

Google News

Sau khi tháo dỡ thiết bị rời kèm theo từ nay đến 3/1, tàu Rolldock Sea sẽ được hạ chìm một phần để tàu ngầm Hà Nội được đưa ra mặt nước Biển Đông.

Theo nguồn tin từ các cơ quan chức năng cho biết, từ nay đến ngày 3/1, việc bốc dỡ các thiết bị rời kèm theo của tàu ngầm Hà Nội trên tàu Rolldock Sea sẽ được tiến hành sau khi chiếc tàu vận tải này về tới Vịnh Cam Ranh vào đêm 31/1.
Sau khi tháo dỡ sẽ là quá trình hạ chìm một phần tàu vận tải để tàu ngầm thoát ra ngoài.
Tàu vận tải Rolldock Sea chở tàu ngầm Hà Nội neo tại vùng nước vịnh Cam Ranh.
Theo thông tin từ nhà máy đóng tàu Admiraltei Verfi thì phía Nga đã cử theo 5 kỹ sư hộ tống tàu ngầm về Việt Nam để hỗ trợ cho công tác lắp đặt.
Kỹ sư Aleksandr Beliy, chuyên gia của nhà máy Admiralty Verfi, một trong 5 người được cử sang Việt Nam, cho biết: “Mặc dù doanh nghiệp này đã có nhiều kinh nghiệm đối với những chuyến vận tải đơn hàng tàu ngầm cho các đối tác trên quãng đường rất xa xôi, nhưng chuyến đi lần này (về Việt Nam) vẫn được chuẩn bị hết sức chu đáo vì ý nghĩa quan trọng đặc biệt của chuyến hàng này đối với quốc gia đặt hàng.”
“Ngoài những vật liệu cần thiết cho chuyến đi, chúng tôi còn mang theo một cơ số sơn đặc biệt để sẽ sử dụng đến khi tàu ngầm được vận chuyển về căn cứ ở Việt Nam. Khi đó chúng tôi sẽ trang điểm lại cho con tàu để nó sẽ trở nên cực kỳ đẹp mắt và hoành tráng trong buổi lễ tiếp nhận,” ông Beliy nói.
Việc Nga bàn giao cho Việt Nam chiếc tàu ngầm Kilo thể hiện sinh động mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia.
 Cận cảnh thượng tầng của tàu ngầm Hà Nội.
Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam thuộc lớp “Varshavyanka” 636 (NATO định danh là lớp Kilo 636), có chiều dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước từ 3.000-3.950 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động ở độ sâu trung bình là 240m và có thể lặn sâu tối đa 300m.
Tàu có tầm hoạt động 6.000-7.500 hải lý, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm và thủy thủ đoàn 52 người. Vũ khí của tàu bao gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm...
Đây là tàu ngầm đầu tiên trong 6 chiếc mà Việt Nam đặt mua của Nga, được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi, nhằm từng bước xây dựng lực lượng hải quân chính quy, hiện đại, nâng cao năng lực bảo vệ biên giới lãnh hải của Tổ quốc.
Theo Vietnamplus