Tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, lúc 11h20 phút (giờ địa phương) ngày 23/12, trực thăng nội địa Z-20 do Trung Quốc sản xuất đã cất cánh thử nghiệm thành công tại một sân bay thuộc khu vực Bắc Đông Bắc nước này.
Việc Z-20 thử nghiệm bay thành công đánh dấu mốc quan trọng trong chương trình phát triển trực thăng nội địa Trung Quốc. Tương lai, nó sẽ tăng thêm “đôi cánh đắc lực” cho Lục quân Trung Quốc, đồng thời cũng có khả năng phát triển thành trực thăng trên hạm cho tàu sân bay.
|
Trực thăng vận tải Z-20 của Trung Quốc bay thử nghiệm.
|
Lực lượng không quân lục quân của Trung Quốc ngay từ khi mới thành lập chủ yếu gồm các trực thăng vận tải, sau này mới đưa vào biên chế các loại trực thăng chiến đấu như Z-9, nhưng chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ chi viện tác chiến mặt đất, chứ chưa phát triển trở thành lực lượng đột kích trên không.
Ngay cả khi trực thăng Z-10 và Z-19 được đưa vào sử dụng thì cục diện thiếu hụt y trực thăng tấn công và trinh sát cỡ lớn của Lục quân Trung Quốc vẫn không thay đổi. Do vậy, Trung Quốc cần phát triển một loại máy bay trực thăng cỡ 10 tấn, chuyên thực hiện các nhiệm vụ như vận tải đột kích, chi viện hậu cần…
Hình dáng của Z-20 rất giống với thiết kế trực thăng Black Hawk do công ty Sikorsky Mỹ chế tạo. Trung Quốc cũng đã từng mua 24 chiếc S-70 Black Hawk của Mỹ từ những năm 1980. Nhưng do sau này Mỹ thực hiện lệnh cấm vận quân sự đối với Trung Quốc, không cho phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ như trực thăng Black Hawk. Khi đó Trung Quốc do hạn chế về một số mặt như kinh tế, công nghệ vẫn không thể nghiên cứu ra loại trực thăng tương tự, chỉ có thể chuyển sang mua trực thăng vận tải M-8/17 của Nga.
|
So sánh ảnh trên và ảnh Black Hawk Mỹ cho thấy không có nhiều nét khác biệt giữa 2 loại này.
|
Điểm khác biệt giữa Z-20 và Black Hawk đó là hệ thống cánh quạt chính của Z-20 có 5 lá (Black Hawk có 4 lá), điều này đem lại khả năng kiểm soát và cơ động mạnh hơn so với Black Hawk. Ngoài ra, cánh quạt đuôi của Z-20 không sử dụng thiết kế cánh quạt đuôi góc nghiêng 20 độ như Black Hawk. Việc thiết kế như vậy để đảm bảo cân bằng, vì trọng tâm của nó ở phía sau trục cách quạt chính.
Sau khi được đưa vào biên chế, Z-20 sẽ phối hợp với máy bay vận tải Y-20 để vận chuyển binh lực, khi đó Lục quân Trung Quốc có thể nhanh chóng tập kết tại bất kỳ một địa điểm nào chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đồng thời hình thành năng lực tác chiến đột kích cơ động.
Nếu như trong tương lai, Hải quân Trung Quốc có thể được trang bị loại tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn thì trực thăng Z-20 có thể phối hợp với các loại máy bay khác để ứng phó với các nguy cơ xung đột tại các đảo trên biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.
Ánh Dương