Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn từ một kênh truyền thông của Trung Quốc cho biết, xe tăng T-14 Armata sắp xuất hiện tại lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng vào 9/5 của Nga chỉ có khả năng chiến đấu tương đương với các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ và Leopard 2 của Đức.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại không đưa ra những bằng chứng chứng minh cho nhận định của họ. Phải chăng đây là sự "ghen tức" với công nghệ tuyệt vời của nước Nga.
T-14 Armata dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 5 của Quân đội Nga được công ty quốc phòng Uralvagonzavod nghiên cứu phát triển và sản xuất, nó sở hữu hầu hết mọi công nghệ chế tạo xe tăng tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Bên cạnh đó, khung gầm hạng nặng của Armata cũng sẽ được phát triển thành nhiều biến thể khác nhau như xe chiến đấu bộ binh, xe sửa chữa – cứu kéo, xe bọc thép chiến đấu hỗ trợ xe tăng và khung gầm cho pháo tự hành hạng nặng.
Ngoài ra, khung gầm của Armata còn được thiết kế để có thể tích hợp với các tổ hợp phòng không tiên tiến cùng với đó là khả năng chống lại các tác nhân sinh hóa học hay hạt nhân.
|
Hình ảnh được cho là của T-14 Armata xuất hiện trên các trang mạng quân sự của Nga. |
Theo các nguồn tin rò rỉ, xe tăng T-14 Armata được trang bị một tháp pháo module điều khiển từ xa với vũ khí chính gồm một pháo nòng trơn 2A82-1M 125mm với độ chính xác cao hơn từ 15-20% so với pháo nòng trơn 2A46M 125mm của T-90. Nó cũng được đánh giá vượt trội pháo nòng trơn Rheinmetall L55 120mm của xe tăng Leopard 2A6.
Bên cạnh đó, T-14 có thể sẽ có thêm một biến thể pháo tự hành hạng nặng sử dụng pháo chính 152mm.
|
Hình dáng thật sự của siêu tăng T-14 Armata vẫn chưa được Quân đội Nga tiết lộ.
|
Một điểm đáng chú ý nữa là việc tháp pháo của T-14 Armata còn được trang bị thêm pháo tự động 30mm có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng và các loại máy bay hạng nhẹ. Trong khi đó súng máy 12,7mm có thể được sử dụng để chống lại lực lượng bộ binh và các phương tiện cơ giới của đối phương.
Phần thân xe cũng được làm bằng vật liệu tổng hợp với hệ thống giáp bảo vệ đa lớp cùng với đó hệ thống phòng vệ chủ động Afganit có khả năng đánh chặn đạn pháo, tên lửa tự dẫn ở cự ly gần.
Trong giai đoạn từ nay cho đến 2020, Quân đội Nga sẽ đưa vào sử dụng khoảng 2.300 chiếc T-14 chiếm 70% số lượng xe tăng được đưa vào trang bị mới.
Tuấn Đặng