Ôn thi đại học các môn năng khiếu khối H (Văn, Vẽ bố cục màu, Vẽ hình họa chì), V (Toán, Lý, Vẽ hình họa chì) cũng cần phải có "mẹo" để bài làm được điểm cao.
Dưới đây Kiến Thức giới thiệu những bí quyết giành điểm cao các môn năng khiếu khối H, V để các bạn HS đang có ý định thi các khối này tham khảo.
|
Khi làm bài thi các môn năng khiếu, điều cần tránh là nhìn bài mẫu và vẽ như chép. Ảnh minh họa. |
Điều cần tránh ở thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học với các môn năng khiếu là nhìn đề mẫu và vẽ như chép. Đây là môn năng khiếu đòi hỏi sự sáng tạo cá nhân. Tuy nhiên, để làm tốt bài thi thí sinh phải cần có sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản về kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện thường xuyên để có những kỹ năng cần thiết.
Nguyên tắc làm bài Vẽ hình họa chì
Về bố cục: Cần cân đối hài hòa giữa hình vẽ và trang giấy.
Về phần dựng hình: Khái quát được các hình dáng và đặc điểm của mẫu. Chú ý các đường trục chính (mặt, thân, tay, chân…)
Về cấu trúc: Diễn tả được kết cấu bề mặt của mẫu.
Về không gian: Dùng sắc độ đậm nhạt thể hiện được độ dày hình khối, tư thế (chỉ cần gợi được khối), có tương tác của mẫu với không gian, có chính, có phụ, có xa có gần.
Thí sinh chú ý những lỗi cơ bản hay mắc phải trong môn Vẽ hình họa chì để tránh mắc phải trong kỳ thi THPT quốc gia 2015: Các bức vẽ tượng bị thiếu sọ; Bố cục lệch lạc; Đánh bóng không tốt, không thể hiện được đúng chất liệu mẫu; Bài thi rườm rà, cầu kì chi tiết nhưng lại không đầy đủ.
|
Thí sinh cần chuẩn bị thật tốt các dụng cụ thi khối H, V trong kỳ tuyển sinh đại học 2015. |
Nguyên tắc làm bài Vẽ bố cục màu
Về bố cục: Hoàn chỉnh, hài hòa cân đối giữa hình nền và các họa tiết chính, tạo thành nhịp điệu và những điểm nhấn thị giác.
Về gam màu: Thể hiện được các màu chủ đạo (nóng hay lạnh...).
Về màu sắc hài hòa: Sắc độ thể hiện sắc nét rõ ràng, thấy được sự tương phản đậm nhạt.
Sáng tạo: Thể hiện những sáng tạo mới mẻ trên nền tảng những quy tắc căn bản.
Thí sinh chú ý những lỗi cơ bản hay mắc phải trong môn Vẽ bố cục màu: Thí sinh thường nhầm lẫn yêu cầu đề bài trang trí với các tác phẩm hội họa thông thường, dẫn đến sai bố cục. Thêm vào đó, việc lạm dụng chi tiết quá rườm rà khiến cho bài thi trở nên rối rắm, khó hiểu và thiếu thời gian làm bài.
Một nguyên tắc quan trọng nữa mà các thí sinh cần ghi nhớ, đó là "thà xấu đều còn hơn tốt lỏi". Vì vậy, bạn cần bố trí thời gian để hoàn thành tổng thể các chi tiết của bài thi rồi mới đi sâu vào các điểm nhấn.
Nắm bắt được tiêu chí tuyển sinh của trường mình thi
Do tính chất đặc thù của ngành nghề nên mức độ đòi hỏi mỹ thuật của các trường có khác nhau. Tuy nhiên, sự khéo tay cần đi liền với tính sáng tạo, do đó thí sinh cần chuẩn bị cho mình nền kiến thức xã hội tốt. Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh chỉ mang tính kiểm tra kỹ năng căn bản nên sự giải trình, hiểu vấn đề cần thiết hơn thể hiện cái "tôi" cá nhân.
Cân đối điểm giữa các bài thi. Người đỗ là người có tổng điểm cao cả 3 môn, không riêng một môn nào. Trong 3 môn thi: Văn (hệ số 1) còn 2 môn năng khiếu (hệ số 2) do đó, Văn tối thiểu phải 6 điểm, màu và hình họa cần đạt điểm trung bình trở lên, hãy giữ khoảng cách giữa 2 môn tối đa là 1 điểm.
Chuẩn bị thật tốt trước giờ thi
Đầu tiên, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết cho môn hình họa: bút chì HB để dựng hình, bút chì từ 2B đến 4B để tạo khối và 5B, 6B để đánh bóng đậm nhạt.
Thứ hai, chuẩn bị 10 -12 cây bút chì, gọt sẵn ở nhà để tiết kiệm thời gian làm bài.
Tiếp đến, các bạn thi khối H có thể pha sẵn màu ở nhà mang lên.
Thứ tư, thường xuyên review lại bài làm để đảm bảo độ chính xác của bố cục.
Thứ 5, bài làm bám sát các yêu cầu của đề. Một bài làm chưa đẹp nhưng đủ vẫn tốt hơn một bài làm đẹp nhưng thiếu chi tiết.
Trên hết, tinh thần bình tĩnh tự tin, giữ vững lập trường là yếu tố quan trọng trong việc bài thi được hoàn thành tốt nhất.
Minh Hiếu (Tổng hợp)