Lưu ý cho thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực lần sau

Google News

Sau ngày đầu thi,  nhiều điểm lưu ý cho thí sinh thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội lần sau được rút ra.

Ngày đầu thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội có thể nói là đã thành công khi số lượng thí sinh dự thi đông, quá trình thi không gặp bất cứ vấn đề gì về máy móc, kỹ thuật, không cán bộ, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Sau đây là một vài lưu ý cho thí sinh thi đánh giá năng lực lần sau, được tổng kết sau ngày đầu thi.
Đề thi gần với cuộc sống
Nhiều thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội nhận xét lần đi thi này gần giống như thi... một trò chơi truyền hình. Câu hỏi và gợi ý đáp án có sẵn, bạn chỉ cần lựa chọn phương án đúng. Đề thi có nhiều tình huống khá đơn giản và sát thực. 
 Thí sinh xếp thành hàng dọc theo từng phòng thi đã được sắp xếp từ trước. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ví dụ đề của thí sinh T.Anh, tham gia dự tuyển vào trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. “Đề thi của mình yêu cầu tìm lỗi trong câu văn: “Nếu đồ xôi sắn theo kiểu truyền thống thì xôi phải đồ trong chõ gỗ thủ công, chứ không bao giờ dùng chõ kim loại”. Hóa ra, lâu nay có thể mình vẫn vô tư dùng cách nói trên mà không biết rằng lỗi câu nằm ở chính từ “trong”. Từ thay thế chính xác cho từ “trong” ấy phải là “bằng”, đồ xôi bằng chõ, chứ không phải đồ xôi trong chõ” - T.Anh nói.
Không học tủ, học lệch
Kiến thức trong bài thi đánh giá năng lực khá dàn trải, từ cả lớp 10,11,12, cụ thể 10% kiến thức trong chương trình lớp 10, 20% kiến thức chương trình lớp 11 và 70% kiến thức chương trình lớp 12. Tuy nhiên, nhiều bạn thí sinh năm nay chỉ chú tâm ôn kiến thức lớp 12 mà quên bẵng kiến thức lớp 10,11. Đây là lý do khiến nhiều bạn "dở khóc dở cười" khi gặp phải những câu hỏi về kiến thức từ những năm học trước.
Kỳ thi không phúc khảo
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, thí sinh dự thi đánh giá năng lực sẽ không được quyền yêu cầu phúc khảo như ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đây. Nguyên do là nếu thi theo hình thức cũ, phúc khảo để loại trừ các trường hợp nhầm lẫn khi cộng điểm bằng tay, sai lệch trong quá trình chấm. Ông Sơn cho rằng, sự chính xác của công nghệ thông tin và tính nghiêm ngặt trong quá trình dự thi sẽ loại trừ được những yếu tố chủ quan và nhầm lẫn khi chấm bài. Vì vậy, không cần tổ chức phúc khảo cho thí sinh. Điều này cũng phù hợp nhiều thông lệ của các cuộc thi quốc tế.
 Một trong những thí sinh đầu tiên rời khỏi phòng thi. Ảnh: Tuổi Trẻ. 
Thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội hàng tháng
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, từ năm 2016, kỳ thi tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội có thể tổ chức hàng tháng ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Kết quả kỳ thi này của thí sinh vẫn được sử dụng để xét tuyển vào trường trong thời hạn hai năm.
Hoà An (tổng hợp)