Nhiều ưu điểm lớn
So với việc chuẩn bị kỳ thi THPT hiện nay của Bộ GD&ĐT, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội có các ưu điểm lớn: Toàn bộ các câu hỏi thi đều soạn theo phương pháp trắc nghiệm, do đó kỳ thi sẽ đạt chất lượng cao hơn (thời gian thi ngắn hơn, đề thi tốt hơn vì ngân hàng câu hỏi được xây dựng và thử nghiệm công phu hai năm qua, chấm thi khách quan bằng máy, không phụ thuộc trình độ người chấm điểm).
Tuy là đề trắc nghiệm nhưng ĐHQG Hà Nội còn cố gắng đưa vào đề Toán một số câu hỏi mà thí sinh phải ghi đáp số chứ không chỉ chọn phương án có sẵn, làm tăng thêm độ chính xác của đánh giá kết quả.
|
Các thí sinh trao đổi về bài làm sau khi hoàn thành môn thi ngoại ngữ tại ĐHQG Hà Nội ngày 30/5. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong khi đó, kỳ thi THPT quốc gia năm nay được Bộ GD&ĐT tổ chức theo phương án vẫn sử dụng phương pháp tự luận cho bốn môn thi, nên thời gian thi kéo dài, tốn công chấm và kết quả phụ thuộc vào năng lực người chấm, vì vậy khó kỳ vọng đạt chất lượng cao.
Đề thi trắc nghiệm chỉ được một số người xây dựng trong một thời gian ngắn, không phải rút ra từ một ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tốt với các câu hỏi đã được thử nghiệm, phân tích và chỉnh sửa nên đề thi khó có chất lượng cao. Dù sao phương án một mà Bộ GD&ĐT chọn cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới cũng chỉ là “tình thế” khi chưa chuẩn bị được đầy đủ.
Trong các năm sau, hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ chọn phương án thi “tiến bộ” hơn để có kỳ thi gọn nhẹ hơn và chất lượng cao hơn, cụ thể là: Chủ yếu dùng phương pháp trắc nghiệm, triển khai thử nghiệm, phân tích, chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi để xây dựng được một ngân hàng tốt nhằm có được các đề thi tốt.
Có thể áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia
Tuy ĐHQG Hà Nội đã cố gắng áp dụng công nghệ mới cho kỳ thi, nhưng có lẽ những năm tới cũng cần cải tiến thêm để kết quả kỳ thi tốt hơn.
Theo tôi, có hai điểm cần lưu ý cải tiến về công nghệ đánh giá.
Một là phải đảm bảo tính tương đương cao giữa mọi đề thi của thí sinh thì mới so sánh được điểm của các thí sinh với nhau một cách công bằng, vì mỗi thí sinh được làm một đề riêng. Công nghệ trắc nghiệm hiện đại cho phép làm được điều đó, bằng cách đảm bảo cho cái gọi là các “hàm thông tin” của mọi đề thi phải trùng nhau.
Hai là không nên dùng “điểm thô” - tức là tính điểm bằng cách cộng các câu hỏi làm được -làm kết quả cuối cùng, vì mọi câu hỏi trong đề đều tính bằng 1 điểm như nhau, trong khi độ khó và độ phân biệt của chúng khác nhau.
Cần sử dụng điểm “tinh”, trong đó các câu hỏi đóng góp khác nhau vào điểm cuối cùng tùy theo tính khó dễ của nó. Ngoài ra, có lẽ đối với môn ngữ văn cần đánh giá khả năng diễn đạt, và môn toán cần đánh giá khả năng giải quyết vấn đề, thì ngoài phần trắc nghiệm nên đưa vào mỗi môn một câu tự luận ngắn, thí sinh chỉ làm trong khoảng nửa tiếng (để đỡ công sức chấm thi).
Tôi nghĩ các kinh nghiệm mà ĐHQG Hà Nội làm được trong kỳ thi năm nay, và những khuyến nghị nói trên, Bộ GD&ĐT có thể áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia (như theo phương án 2 đã đưa ra trước đây) trong những năm tới.
Tuy nhiên, đối với kỳ thi quốc gia quá đông thí sinh, không nhất thiết phải thi trên máy tính để tránh phải chuẩn bị cơ sở thiết bị quá phức tạp hoặc phải tăng số ca thi và dễ bị sự cố kỹ thuật.
Sau khi chuẩn bị tốt các ngân hàng câu hỏi và công nghệ đánh giá như đã nêu trên, kỳ thi THPT quốc gia sau này có thể tổ chức nhiều lần trong năm, trước hết nên ít nhất hai lần ứng với hai học kỳ của trường đại học, để giảm bớt áp lực lên thí sinh.
GS.TS Lâm Quang Thiệp/Báo Tuổi Trẻ