Xác định nguồn gốc bài toán lớp 3 gây tranh cãi ở VN

Google News

Giáo viên lớp 3 trường tiểu học Thăng Long, phường B’Lao, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng là người ra bài toán lớp 3 siêu khó xôn xao dư luận mấy ngày qua.

Gặp chúng tôi ngày 23/5, cô Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên lớp 3A3, đồng thời là khối trưởng khối lớp 3 trường tiểu học Thăng Long, cho biết, cô vô cùng bất ngờ vì bài toán mình đưa ra cho học trò khoảng một tuần trước lại được quá nhiều người quan tâm. Cô chia sẻ, chỉ tìm tòi và chép một số bài toán ấn tượng để học sinh luyện tập thêm. Đây là việc cô làm thường xuyên trong nhiều năm qua. 
Giúp học sinh kích thích tư duy
Bài toán gây bão nằm trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Ảnh: Tuổi Trẻ.
 “Bài toán này, tôi cho một nhóm học sinh làm trong giờ ôn tập buổi chiều thứ ba tuần trước. Chỉ có khoảng 20 học sinh (trong tổng số 35 học sinh của lớp 3A3) được cho thêm phần luyện tập này. Những em đó đã làm xong phần ôn luyện theo chương trình, tôi cho các em làm thêm để nâng cao kỹ năng và kiến thức” - cô Quyên kể. 
Bài toán quá khó với học sinh lớp 3, nên đưa vào đợt ôn tập có phù hợp hay không? Trả lời câu hỏi này, cô Quyên giải thích: “Đợt ôn tập đó, tôi cho các em làm bốn câu, trong đó bài toán trên là câu cuối cùng. Khi mới nhìn thấy bài toán, tôi đã đánh giá bài có độ khó cao và khá rối rắm so với trình độ học sinh lớp 3 nên nói các em không cần làm bài này. Trong đó, một vài em cũng hứng thú và mày mò làm thử. Tôi làm như vậy vì học sinh của mình, để các em kích thích tư duy, làm quen với nhiều dạng bài tập”. Tuy nhiên, cô Quyên cho rằng, đã sơ suất khi không nói học sinh gạch chéo bài toán khó. Một số em mang bài toán về nhà nhờ ba mẹ, người thân giải thử, nhưng không nói cô giáo không yêu cầu làm bài toán trên. 
Xac dinh nguon goc bai toan lop 3 gay tranh cai o VN
 

Cùng với cô Quyên, cô Nguyễn Thị Ninh, giáo viên lớp 3A1, cũng cho một số học sinh ôn tập bài toán này và cũng không bắt buộc học sinh phải làm. Cô Ninh chia sẻ: “Từ câu 1 đến câu 3 trong tờ ôn tập này phù hợp với các em khá giỏi trong lớp nên tôi cho một vài em làm thêm. Riêng câu 4, tôi thấy có nhiều ẩn số nên cũng nói học sinh không cần làm nhưng một số em vẫn tìm cách giải”.
 Cô Quyên có thâm niên 22 năm dạy học, cũng là nhóm trưởng nhóm rèn luyện chữ đẹp cho học sinh trong trường. Khi biết bài toán mình giao cho học sinh làm gây xôn xao dư luận, cô Quyên cảm thấy lo lắng. Cô chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi rất bận cho công tác cuối năm học nên cũng không có thời gian theo dõi. Đến khi biết bài toán đó đang nóng trên mạng mới kiểm tra lại và biết là do mình giao cho học sinh. Ban đầu, tôi rất lo lắng nhưng cứ nghĩ mình làm tất cả điều này cũng chỉ vì học trò nên cũng giải tỏa bớt tâm lý lo sợ. Qua những bài ôn tập nâng cao sẽ kích thích các em tư duy và làm quen với đa dạng các loại bài tập. Điều khiến tôi buồn nhất là từ khi giao bài cho các em và đến mãi sáng nay, ngay trong buổi họp phụ huynh cuối năm, cũng không ai thắc mắc về bài toán đó để cùng nhau chia sẻ hoặc định hướng cách làm cho các em”. 
Theo tài liệu cô Quyên cung cấp cho chúng tôi, bài toán lớp 3 trên nằm trong cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 của Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Chịu trách nhiệm nội dung và bản quyền cuốn sách này là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục 123, biên tập nội dung tác giả Đặng Thanh Thúy và chịu trách nhiệm xuất bản là ông Đinh Ngọc Bảo - Giám đốc Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm. Cuốn sách trên được nhà xuất bản in 5.000 cuốn và lưu chiểu vào tháng 6/2012. Theo các giáo viên dạy toán trong trường, cuốn Phiếu bài tập cuối tuần toán và tiếng Việt lớp 3 trên có nhiều bài toán nâng cao khá hay. Về nguồn gốc của tài liệu này, cô Quyên cho biết, do một học sinh mang đến lớp và cô thấy hay nên thỉnh thoảng photo một số tờ gồm cả tiếng Việt và toán để cho các em làm trong giờ ôn tập. “Nếu ôn tập theo các bài đúng chuẩn kiến thức và kỹ năng thì nhiều em trong lớp hoàn thành bài rất nhanh. Đối với những em này, tôi thường cho làm thêm một số bài nâng cao hơn, chủ yếu được lấy trong cuốn phiếu bài tập” - cô Quyên cho biết thêm. 
Cô Hoàng Thị Hồng, hiệu trưởng trường tiểu học Thăng Long, cho biết, bài toán này về kiến thức cơ bản thì đúng với trình độ của các em học sinh lớp 3 vì có đưa vào bốn phép tính nhân, chia, cộng, trừ. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp để rèn luyện thêm cho những học sinh giỏi, còn đối với trình độ đại trà thì không nên. “Việc sưu tầm bài toán hay cho học sinh mình là rất đáng quý. Nhưng dù sao đi nữa việc ôn tập như vậy là không đúng vì không theo chuẩn kỹ năng kiến thức và không thông qua nhà trường” - cô Hồng nói.

Ông Từ Ngọc Thanh (trưởng Phòng GD&ĐT TP Bảo Lộc): Về nguyên tắc, Sở GD&ĐT Lâm Đồng quy định học sinh lớp 3 học hai buổi một ngày nên bắt buộc thầy cô không cho bài tập về nhà cho học sinh. Tất cả bài tập đều phải làm ngay trên lớp.

Sáng 22/5, ngay khi có nhiều thông tin dư luận chú ý về bài toán xuất phát từ TP Bảo Lộc, phòng đã cho rà soát toàn bộ 26 trường tiểu học trên địa bàn về đề bài kiểm tra thường và kiểm tra học kỳ. Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT TP Bảo Lộc không phát hiện bài toán trên nằm trong bất cứ chương trình giảng dạy, ra đề chính khóa cụ thể nào. “Quan điểm của tôi là các thầy cô ra đề phải dựa trên chuẩn kiến thức của bộ quy định. Dù cô giáo có ý tốt, muốn tìm kiếm, sưu tầm những bài toán có độ khó và tính sáng tạo nhưng nằm ngoài chương trình, quá khó với trình độ học sinh thì chắc chắn là không nên”.

Nước ngoài cũng sốt

Ngày 18/5, một số trang báo điện tử đã đưa thông tin về một bài toán dành cho học sinh lớp 3 thuộc một trường học trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) khiến nhiều người quan tâm vì độ khó của bài toán. Ngay sau đó, bài toán này đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của truyền thông trong nước mà cả một vài tờ báo Anh, Mỹ... Có nhiều thông tin trái chiều về bài toán trên. Nhiều ý kiến cho rằng bài toán này quá khó, không phù hợp với học sinh lớp 3, nhất là trong thời điểm đang cần giảm tải chương trình cho học sinh khối tiểu học. Trong khi đó có nhiều người lại thấy bài toán khá thú vị, giúp tăng cường khả năng tư duy của các em học sinh.



Theo Tuổi trẻ